Mẹo sắm Tết tiết kiệm chỉ 3,2 triệu đồng

12/02/2018

Chị Thùy Chi (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, Tết này chị về nhà nội ở dưới Thường Tín ăn Tết. Chị tâm sự: “Vì ở quê nên thịt lợn, thịt gà, cá đều có sẵn. Vì thế, hàng năm mình chỉ cần dành tiền biếu bố mẹ hai bên và mua thực phẩm bên lề mà thôi”.

Chính vì điều này, hàng năm gia đình chỉ cần 3 triệu đồng là gia đình chị đã hưởng “một cái Tết sum vầy”. Chị nói: “Lương vợ chồng mình chỉ hơn chục triệu đồng một tháng, dù Tết nhất nhưng thưởng cũng chẳng được bao nhiêu. Tuy nhiên, khác với nhiều chị em khác, mình không quá lo lắng việc chi tiêu trong dịp Tết. Theo mình biết, nhiều gia đình dành tiền chi tiêu cho dịp Tết bằng cả tháng hoặc thậm chí 2 tháng lương”.

Nhà của bố mẹ chồng ở Thường Tín rất rộng, bố mẹ chăn nuôi gà, bò, cá vì thế hàng năm chị không cần sắm sửa những thực phẩm đó nữa. Mà hai vợ chồng chị về chỉ cần mang theo giỏ quà khoảng 500.000 đồng và biếu ông bà nội ngoại mỗi bên 500.000 đồng. Còn 500.000 đồng hai vợ chồng để mừng tuổi bọn trẻ con trong nhà và hàng xóm. Thực phẩm bên lề chị dành ra 500.000 đồng như nước mắm, muối, đường, dầu ăn, bánh kẹo…

Cũng chỉ với 3 triệu đồng, nhà chị Trịnh Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn có đủ thịt gà, thịt bò, thịt nấu đông, bánh chưng, hoa quả… chẳng kém gia đình nào.

Chị tâm sự: “Tuy lương của hai vợ chồng mình không phải là ít. Thế nhưng mình đặt mục tiêu dành tiền cho năm mới cho việc này việc nọ có ích hơn. Tết đến, cả nhà mình không nặng nề hay phải lo ngay ngáy như nhiều mẹ than thở trong việc chi tiêu. Với 3 triệu, nhà mình vẫn có tiền biếu bố mẹ, mua sắm đồ ăn đầy đủ”.

Với tay nghề khéo léo, chị mua thịt lợn về tự tay làm giò. “Tôi thường làm một vài món như giò hay dưa chua đi biếu cha mẹ hai bên. Vậy là không phải cần tiền biếu Tết nữa mà bố mẹ vẫn ưng ý”.

Chị tâm sự, có những năm chị làm thực phẩm sạch biếu cha mẹ hai bên, có những năm chị biếu tiền. Tuy nhiên năm nào chị cũng có một kế hoạch cụ thể: mừng tuổi lì xì, trang trí nhà, chuẩn bị thực phẩm cho cả mâm cúng và bánh kẹo, chi phí dành cho đi lại, vui chơi… tất cả chỉ trong 3 triệu đồng. Năm nào vượt quota lắm thì chỉ chênh 500.000 đồng.

Cụ thể, với thực phẩm, chị thường đi đến các chợ đầu mối như Long Biên, chợ Cầu Giấy, Linh Đàm để mua hoa quả, thịt cá, xương, thịt lợn, bò, cá về cho gia đình gồm 2 vợ chồng chị và 2 con nhỏ hết khoảng 500.000 đồng. Chị tâm sự: “Ngày thường, giá thực phẩm ở chợ đầu mối chỉ bằng 2/3, thậm chí có mặt hàng chỉ bằng 1/2 so với mức bán tại chợ gần nhà bà. Ngày Tết giá cả ở chợ đầu mối cũng có tăng, nhưng không đáng kể”.

Lương thực và thực phẩm khô như măng, miến, mì gói... chị tính toán hết 300.000 đồng. Chả lụa và bánh chưng chị để riêng 100.000 đồng.

Chị cũng đổi 500.000 đồng tiền mới để mừng tuổi con cháu, mỗi đứa cháu ruột có tiêu chuẩn 50.000 đồng còn những đứa trẻ khác chị chỉ lì xì 5000 - 10.000 đồng. Ngân sách dành cho mua nước ngọt, bánh kẹo và hạt dưa của bà là 200.000 đồng. Chị chọn mua những loại bánh kẹo trong nước sản xuất vừa ngon mà giá lại vừa phải.

Cuối cùng, chị dự kiến chỉ mua mâm ngũ quả thắp hương với số tiền trong phạm vi dưới 200.000 đồng.

Trong số 500.000 đồng dành để mua sắm lương thực thực phẩm, chị dự định mua: 1 kg thịt lợn, nửa cân thịt bò, 1 kg giò ngon ở chợ gần nhà (120.000 đồng - tăng 10.000 đồng so với ngày thường), 1 con gà (120.000 đồng), 1 thùng bia (200.000 đồng), còn lại là mua dưa hành, rau và các loại gia vị…

Bên cạnh bánh kẹo, chị sẽ mua thêm 1 kg hạt dưa cắn tí tách, hai hộp trà mạn nhấm nháp lúc nói chuyện. Trong vấn đề này, chị thường chú ý tới hàng khuyến mãi. Những lúc rảnh rỗi, chị thường sục sạo khắp các website của hệ thống siêu thị để nắm bắt được chương trình khuyến mại lớn nhân dịp cận tết.

(Theo Trí thức trẻ)

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
scroll-top