Cuối tháng 2, báo VnExpress đưa ra khảo sát "Nhu cầu vay vốn nhỏ của cá nhân". 65% trong số 2.200 người tham gia khảo sát có nhu cầu vay tiền để khởi nghiệp, trả nợ hoặc chi tiêu. Trong số những người có nhu cầu vay tiền nói trên, gần một nửa (43%) chỉ cần khoản vay dưới 50 triệu, trong đó nhiều phụ nữ chỉ mong vay được từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nhiều chị em cho biết họ cần vay để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh. Trở ngại tiếp cận nguồn vốn của các độc giả đến từ nhiều lý do. Trong đó nhiều nhất là dính nợ xấu và ngân hàng không có hạn mức vay phù hợp. Ngoài ra, còn một lý do phổ biến cản trở việc vay ngân hàng của nhiều người là do không có thu nhập cố định hàng tháng.
Theo chuyên gia, nhà văn Trang Hạ, người được Forbes trao giải thưởng 1 trong "50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội lớn tại Việt Nam" 2017 với tư cách nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới, phụ nữ yếu thế khó khăn hơn đàn ông gấp nhiều lần nếu không được tiếp cận tài chính để tìm cơ hội kinh doanh.
Ngọc Tuyền (30 tuổi, TP HCM) ấp ủ mở một gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử nhưng chưa có vốn. Cô ở nhà làm nội trợ, kinh tế gia đình do chồng gánh vác. Do vừa muốn có thời gian chăm con vừa muốn kiếm thêm thu nhập, Tuyền mong muốn có khoản vốn dưới 20 triệu đồng để kinh doanh online mặt hàng phụ kiện trang trí nhà bếp.
Không đi làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập hàng tháng khiến Tuyền không thể vay ngân hàng. Cô cũng không lựa chọn vay tiền người thân vì "không muốn tiền bạc làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ". Người duy nhất biết và ủng hộ "start up" của Tuyền là chồng cô. Người phụ nữ 30 tuổi cũng tìm hiểu phương án vay tại các công ty tài chính, tuy nhiên e ngại lãi suất cao và sợ bị quấy rầy, đe dọa đòi nợ.
Tuyền ước tính, số tiền 20 triệu vốn ban đầu sẽ giúp cô nhập hàng hóa và làm thủ tục mở gian hàng trực tuyến. Ước mơ của cô là có thể mang về thu nhập 5-10 triệu đồng mỗi tháng từ việc bán hàng, nếu công việc thuận lợi.
Chị Kiều Duyên (35 tuổi, TP HCM) cũng không thể vay ngân hàng cho khoản tiền dưới 20 triệu do vướng nợ xấu. Chị đang là nhân viên văn phòng nhưng mong có thể kiếm thêm thu nhập từ việc bán hàng online.
Cửa hàng của chị Duyên bán yến và đồ gia dụng nhưng do nguồn vốn hạn chế, chị không lấy được nhiều hàng. Tốc độ bán hàng và quay vòng vốn cũng chậm. Do hồ sơ dính nợ xấu, chị Duyên không thể tiếp cận nguồn tiền nào ngoài những công ty tài chính. Chị sẵn sàng vay ngoài, "miễn lãi suất không vượt quá quy định của nhà nước". Theo chị Duyên, mỗi công ty đều có những quy định riêng, miễn sao mình cảm thấy phù hợp và khoản vay đáp ứng được nhu cầu của mình thì việc vay tiền tại các công ty tài chính không có vấn đề gì.
Nhiều người như chị Duyên hay Ngọc Tuyền, khi không thể vay ngân hàng, họ chọn vay các công ty tài chính thay vì bạn bè hoặc người thân. Theo khảo sát, 832 độc giả VnExpress sẵn sàng tìm đến các công ty tài chính để vay tiền.
Chị Nguyễn Thị Bạch Huệ (Kontum) đã kiếm được tiền từ khoản vay nhỏ dưới 20 triệu đồng. Gia cảnh chị Huệ khó khăn khi bố mất sớm, chị cùng mẹ và em trai nương tựa vào nhau khi không có việc làm, còn phải nuôi con nhỏ. Nhờ khoản vay, chị Huệ đã mở được gánh bánh xèo và xôi ở chợ đầu mối Kontum. Công việc của chị bắt đầu từ 1 giờ sáng và kết thúc lúc 6 giờ sáng.
Thu nhập từ gánh hàng nhỏ giúp chị Huệ chi tiêu cho gia đình, lo cho con ăn học. Ban đầu, chị Huệ lo lắng mình không đủ điều kiện để vay tiền, do không có tài sản thế chấp cũng không có thu nhập. Nhưng khoản vay của chị vẫn được giải ngân.
Chị Huệ chia sẻ, nhờ khoản vay, dù phải trả lãi và gốc hàng tháng, cuộc sống của chị cải thiện hơn trước. Chị và gia đình đã có kế sinh nhai ngay tại địa phương, vẫn có thể chăm sóc con cái mà không cần phải đi làm xa.
Đối với những người đang mong muốn kiếm tiền và tự chủ tài chính, những khoản vay mở ra cho họ một cơ hội. Nhưng những ai không có tài sản thế chấp, không có hộ khẩu cư trú, không có thu nhập hàng tháng, họ không còn cách nào khác ngoài việc tìm đến app vay tiền, cầm đồ, thậm chí tìm đến tín dụng đen. 543 độc giả lựa chọn các phương án vay này dù 88% người tham gia khảo sát lo sợ lãi suất cao và bị đe dọa đòi nợ khi vay nóng.
Theo nhà văn Trang Hạ, phụ nữ cần có vốn, cần được hướng dẫn làm ăn và cần một môi trường văn minh, được tôn trọng giá trị, được tiếp sức bằng tư vấn và kiến thức về tài chính. Tuy nhiên, Trang Hạ cảnh báo khi tìm vay vốn từ các tổ chức bên ngoài ngân hàng, mọi người nên cân nhắc lựa chọn những đơn vị có thể đồng hành với các kế hoạch kinh doanh, thay vì cho vay dễ dàng và tìm mọi cách để thu lãi, đẩy người vay vào hoàn cảnh nợ nần. "Phụ nữ hãy cân nhắc về các khoản vay trong hôm nay. Chúng ta còn sống 60 năm, 80 năm nữa, liệu những khoản vay trong ngày hôm nay có giúp ích chúng ta trong tương lai hay không", nhà văn nhấn mạnh.
Đại diện một công ty hỗ trợ tài chính cho biết, tỉ lệ khách hàng vay hạn mức từ dưới 20 triệu đồng chiếm hơn 75% tổng số khoản vay. Trong năm 2023, có hơn 13.000 khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh và trong đó có tới 6.000 khách hàng là nữ.
Đa số tệp khách hàng này là dưới chuẩn ngân hàng, những người bị hạn chế về khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng chính thống cũng như hạn chế về kiến thức rủi ro tài chính tín dụng. Chính vì vậy, lời khuyên dành cho họ để tránh rủi ro vay nhầm tín dụng đen, vướng vào những rắc rối không đáng có, người dân cần tìm hiểu kỹ về các tổ chức cho vay tín dụng uy tín, đọc kỹ các điều khoản hợp đồng. Ngoài ra, khách hàng có thể tìm hiểu thêm các phương tiện truyền thông đại chúng đã có nhiều bài viết nói về cách nhận biết tín dụng đen cũng như giải pháp phòng tránh.
"Theo tôi, việc chỉ vay khi thực sự cần cũng là giải pháp hữu hiệu để tránh nợ xấu cho chính người vay, kèm theo đó tất nhiên là một kế hoạch sử dụng tài chính chi tiết, hiệu quả", vị này nhấn mạnh.
Còn theo Trang Hạ, với những tổ chức tạo điều kiện giúp đỡ phụ nữ yếu thế, cho họ kế sinh nhai, bên cạnh cho đi còn cần tổ chức đào tạo, hướng dẫn để chị em sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Theo Vnxpress