Trước thềm 8/3, báo VnExpress đưa ra khảo sát Phụ nữ và vai trò 'làm chủ' thời 4.0. Trong số độc giả tham gia khảo sát, tới 96% tin rằng phụ nữ có khả năng để quán xuyến mọi việc trong gia đình. Tuy nhiên, 61% trong số này cho biết mình không được đối xử bình đẳng trong xã hội, tự do "làm chủ" trong mọi lĩnh vực mình mong muốn.
Nguyên nhân của việc này đến từ nhiều rào cản. Trong đó nhiều nhất đến từ chưa được tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp riêng và không tự chủ tài chính. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp khó khăn vì không được giúp đỡ, phân chia công việc nhà và không có người hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ. Những người gặp khó khăn đa số là các phụ nữ trẻ với 50% trong độ tuổi từ 25 đến 35.
Theo số liệu từ F88 - một công ty cho vay cầm cố, tỷ lệ khách hàng vay hạn mức từ dưới 20 triệu đồng chiếm hơn 75% tổng số khoản vay. Trong năm 2023, có hơn 13.000 khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh và trong đó có tới 6.000 khách hàng là nữ. Điều này cho thấy nhu cầu tự chủ tài chính của phụ nữ là rất lớn.
Chuyên gia, nhà văn Trang Hạ, người được Forbes trao giải thưởng một trong "50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội lớn tại Việt Nam" 2017 với tư cách nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới cho rằng, điều phụ nữ cần được giúp đỡ không nằm ở vấn đề tiền bạc mà là cách xây dựng sự nghiệp, công việc.
Độc giả VnExpress cũng đồng tình với ý kiến của Trang Hạ. 75% người tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn khi muốn tự kinh doanh nhằm độc lập tài chính vì thiếu người định hướng, hỗ trợ, thiếu kiến thức và kinh nghiệm để duy trì việc kinh doanh, không biết bắt đầu từ đâu.
Để giải quyết vấn đề này, nhà văn Trang Hạ chia sẻ về một trường hợp tại Nghệ An. Trong chuyến đi hỗ trợ những hoàn cảnh yếu thế, Trang Hạ gặp một bà đồng nát kiệt quệ sau dịch Covid-19. Bà không có tiền, không học vấn, không nghề nghiệp và quan trọng là không có hướng dẫn cần phải làm gì để có thể cải thiện cuộc sống.
Trang Hạ cùng đoàn làm việc đã hỗ trợ trường hợp này. Với khoản tiền chưa đến 15 triệu, đoàn đã tặng cho bà một xe đẩy để bán rong bờ biển, được trang bị từ chai dầu ăn, xúc xích, chai tương ớt, kéo đường điện chiếu sáng.
Ngay sau khi được tặng và hướng dẫn cách kinh doanh, buổi tối cùng ngày bà đồng nát đã đẩy cái xe ra bờ biển Quỳnh ở Nghệ An bán. Cuộc đời thay đổi chỉ sau vài tiếng và sau vài năm quay lại, đoàn thấy bà vẫn đang dùng chiếc xe này làm kế sinh nhai. "Phụ nữ cần người mách nước cho cách làm ăn", Trang Hạ khẳng định.
Trước đó, theo thống kê từ Bộ Tài chính năm 2023, phụ nữ chiếm 47,7% lực lượng lao động tại thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn, tức là số lượng phụ nữ tham gia làm việc không thua kém nam giới. Tuy nhiên lực lượng lao động nữ phần lớn không có chuyên môn, các công việc như giúp việc gia đình, lao công, tạp vụ do lao động nữ đảm nhận chiếm đến 94,7% tổng lao động làm thuê. Riêng trong giai đoạn Covid-19, tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam.
Điều này cho thấy, dù có tỷ lệ tham gia lao động cao, người phụ nữ vẫn gặp nhiều trở ngại và không thể tự làm chủ ngay tại gia đình mình.
Năm 2023, CNN trích khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy, cùng một công việc, chức vụ, hiệu suất thì thu nhập của lao động nữ chỉ tối đa bằng 80% nam giới và tỉ lệ này không thay đổi trong suốt 20 năm (từ 2002 – 2022)
Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ. Đây cũng là một trong những lý do "cầm chân" phụ nữ trên con đường xây dựng sự nghiệp và làm chủ bản thân mình.
Theo VnXpress