Mô Hình 5 Lực Lượng Cạnh Tranh Của Michael Porter

21/09/2023

Để nắm mắt được sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp có rất nhiều công cụ và mô hình phân tích. Tuy nhiên, mô hình Năm lực lượng cạnh tranh do Michael Porter đề ra được xem là một trong những mô hình phân tích đem lại nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì mô hình Năm lực lượng cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp xác định và phân tích sâu về 5 vấn đề đang tạo ra áp lực cho doanh nghiệp, từ đó xác định được cần phải làm gì để mang về lợi nhuận. Ban đầu, nhiều người còn nghi ngờ tính chính xác của mô hình này nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, người ta nhận ra rằng nó hữu ích với mọi ngành nghề và đặc biệt giúp doanh nghiệp hiểu thị trường, hiểu chính mình hơn.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh

“Cha đẻ” của mô hình Năm lực lượng cạnh tranh là ai?

Trước khi tìm hiểu 5 lực lượng cạnh tranh là gì, mối quan hệ và cách chúng tác động vào doanh nghiệp ra sao thì hãy tìm hiểu một chút về “cha đẻ” của mô hình này - Giáo sư Michael Porter. Ông sinh năm 1947, được xem là giáo sư lỗi lạc nhất của trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Ông còn là nhà tư tưởng chiến lược tầm cỡ thế giới, là "bộ óc" quản trị có tầm ảnh hưởng toàn cầu và đương nhiên, là chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách cạnh tranh. 

Những tác phẩm như "Chiến lược cạnh tranh" (competitive strategy), "Lợi thế cạnh tranh" (competitive advantage) và "Lợi thế cạnh tranh quốc gia" (competitive advantage of nations) của ông đã trở thành kinh điển, được xem là sách gối đầu giường của giới quản trị kinh doanh và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô trên khắp thế giới trong suốt gần 30 năm qua.

Mô hình Năm lực lượng cạnh tranh được giáo sư Michael Porter giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1979 trên tạp chí Harvard Business Review và rất nhanh chóng, nó được các nhà quản trị tin tưởng, áp dụng vào việc phân tích để tìm ra yếu tố tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp trên thị trường.

Năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter là gì?

Về tổng thể, Năm lực lượng cạnh tranh mà Michael Porter định vị là Đối thủ cạnh tranh, Đối thủ tiềm ẩn, Nhà cung ứng, Khách hàng và cuối cùng là Sản phẩm thay thế.

Đối thủ trực tiếp 

Yếu tố quan trọng đầu tiên trong mô hình này là số lượng đối thủ cạnh tranh và năng lực của họ trong lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Các đối thủ cạnh tranh có thể là các công ty hoặc cá nhân kinh doanh sản phẩm với cùng mức giá, chất lượng tương đương và mục tiêu khách hàng tương tự.

Nếu có quá nhiều doanh nghiệp tham gia, sản phẩm sẽ có sự tương đồng và sẽ khó để có thể đột phá. Tuy nhiên, nếu đối thủ cạnh tranh không quá mạnh hoặc không nhiều đối thủ, doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường mà không gặp nhiều áp lực.

Đối thủ tiềm năng

Ngoài các đối thủ trực tiếp trên thị trường, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các đối thủ tiềm năng hoặc các doanh nghiệp mới có thể sẽ gia nhập thị trường. Vị trí của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nếu có một doanh nghiệp mới xuất hiện với sản phẩm độc đáo hơn, công nghệ cao hơn hoặc họ quản trị hoạt động hiệu quả hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần liên tục cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất, hiệu quả quản trị, áp dụng công nghệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng.

Nhà cung cấp

Hoạt động của doanh nghiệp đối thủ cũng phụ thuộc vào sự sẵn sàng của nhà cung cấp. Khi có ít nhà cung cấp, doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào họ và có thể gặp khó khăn trong việc quyết định về giá cả nguyên vật liệu và dịch vụ. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu có nhiều nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể lựa chọn đối tác phù hợp về chất lượng, số lượng và giá cả của nguyên liệu. Lúc đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí và tăng lợi nhuận.

Khách hàng

Để tồn tại trên thị trường, doanh nghiệp cần tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi có nhiều doanh nghiệp cùng cung cấp một sản phẩm hay dịch vụ, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy, doanh nghiệp phải luôn đối mặt với áp lực để cải thiện sản phẩm và giá cả để thu hút khách hàng. Các yếu tố doanh nghiệp cần xem xét khi nghiên cứu về khách hàng bao gồm số lượng khách hàng, mức độ trung thành và chi phí để tìm kiếm khách hàng mới.

Sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là những lựa chọn khác mà người tiêu dùng có thể chọn thay vì sản phẩm của doanh nghiệp. Chúng có thể có giá trị sử dụng tương đương nhưng có tính năng và ứng dụng đa dạng hơn và thường có giá cạnh tranh hơn. Điều này tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của họ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo và cải tiến sản phẩm của mình.

NHẬP THÔNG TIN ĐĂNG KÝ VAY:

Vừa có tiền vừa có xe đi. Duyệt vay nhanh chóng trong 15 phút.

Ví dụ phân tích Năm lực lượng cạnh tranh

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh

Lấy ví dụ khi công ty Honda Việt Nam phân tích thị trường xe gắn máy sử dụng hộp số tự động (xe tay ga) tại Việt Nam, họ sẽ nhìn nhận như thế nào?

  • Đối thủ trực tiếp là các hãng xe máy khác có đặt nhà máy tại thị trường Việt Nam như Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM… Ngoài ra, cũng còn một số hãng xe máy phân phối sản phẩm trực tiếp vào Việt Nam dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc như xe Lambretta…
  • Đối thủ tiềm năng là các hãng xe Trung Quốc có thể tham gia vào thị trường Việt Nam như Zontes hay Longjia.
  • Nhà cung cấp của Honda Việt Nam là chuỗi các nhà máy nhỏ sản xuất linh kiện mà Honda Việt Nam đã hợp tác trong rất nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam.
  • Khách hàng là người tiêu dùng Việt Nam, tập trung hầu hết tại khu vực thành thị, có thu nhập trung bình khá, đa phần là phụ nữ với nhu cầu sử dụng xe là nhẹ nhàng, dễ lái, an toàn và tiện dụng.
  • Sản phẩm thay thế là các dòng xe điện mới ra mắt hoặc các dòng xe số và phần nào đó là xe côn tay.

Tất nhiên, đây mới chỉ là những định vị cơ bản ban đầu, khi áp dụng mô hình phân tích Năm lực lượng cạnh tranh, người ta sẽ phải đi sâu vào phân tích từng yếu tố cụ thể của từng đối tượng, ví dụ như ở đối thủ cạnh tranh trực tiếp, không chỉ dừng lại ở việc định vị đối thủ là ai mà còn phải phân tích rất sâu về đối thủ như mức độ nhận diện thương hiệu và chỉ số cảm xúc thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số lượng cửa hàng bán, bảo hành và sửa chữa mà đối thủ đã xây dựng…

Mục tiêu của mô hình Năm lực lượng cạnh tranh

Bao gồm bốn mục tiêu cụ thể:

  1. Xác định các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả đối thủ trực tiếp và tiềm ẩn.

  2. Hiểu rõ mối quan hệ, điểm mạnh yếu của doanh nghiệp, nhà cung cấp lẫn mong muốn của người tiêu dùng.

  3. Phân biệt và đánh giá các khó khăn trước những diễn biến của thị trường.

  4. Nhận biết các rủi ro mà doanh nghiệp cần đối mặt để phát triển trong tương lai.

Lợi ích của mô hình Năm lực lượng cạnh tranh:

Đánh giá điểm mạnh và yếu, từ đó tập trung vào cải thiện hoạt động doanh nghiệp.

Hiểu sâu về thị trường, bao gồm đối thủ, nhà cung cấp và khách hàng để định hình chiến lược kinh doanh.

Xây dựng chiến lược phát triển hiệu quả hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh và tối ưu hóa lợi nhuận.

Những thách thức đến từ mô hình Năm lực lượng cạnh tranh

Mô hình này được ra đời vào năm 1979, do đó, có thể không hoàn toàn phản ánh sự thay đổi của thị trường và ngành kinh doanh hiện đại. Doanh nghiệp cần xem xét nó như một nguồn tham khảo, không phải là một giải pháp tuyệt đối.

Mô hình này thích hợp cho các thị trường có cấu trúc đơn giản và tiêu chuẩn hóa. Trong khi đó, thị trường hiện nay thường phức tạp hơn với sự phân đoạn và đa dạng hóa sản phẩm. Doanh nghiệp cần xem xét thêm các yếu tố khác để đảm bảo chiến lược phù hợp.

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top