Những lưu ý khi cúng Ông Công Ông Táo Tết 2020

13/01/2020

Cúng ông Công, ông Táo là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, tuy nhiên mọi người cần hiểu đúng ý nghĩa của tập tục này để có những ứng xử văn hóa, tâm linh phù hợp. Vậy cách cúng ông Công, ông Táo như thế nào là hợp lý nhất? Ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày nào? Mời các bạn cùng tham khảo tại bài viết dưới đây.

Thông tin về Táo Quân

Táo Quân là tên gọi chung của ông Công và ông Táo. Đây là những vị thần có nhiệm vụ cai quản công việc bếp núc của mỗi gia đình. Khi đó Táo quân còn được gọi là vua bếp và sẽ được thờ ở khu vực nhà bếp.

Theo dân gian ngày nay thì Táo quân sẽ bao gồm 3 vị thần bao gồm 2 ông và 1 bà. Ba vị táo quân này dù chỉ ở trong bếp nhưng có khả năng biết toàn bộ sự việc trong gia chủ mà nơi mình cai quản. Người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.

Cúng ông Công, ông Táo khi nào thì tốt

Hằng năm, cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch thì các vị Táo quân sẽ bay lên Thiên đình để báo cáo tình hình một năm qua của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì quan điểm như vậy cho nên hàng năm để được Táo Quân bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp để gia đình sang năm mới nhận được nhiều may mắn, gia chủ thường chuẩn bị những đồ lễ cúng ông Táo về trời vô cùng long trọng và kỹ càng.

Người miền Bắc thường cúng ông Công, ông Táo khá sớm. Thông thường, các gia đình đã chuẩn bị làm lễ từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, bởi họ quan niệm rằng sau giờ đó, ông Công ông Táo đã về chầu trời.

Ở miền Nam các gia đình thường bắt đầu cúng từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12 giờ 23 tháng Chạp các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để cúng ông Công, ông Táo.

Khi cúng ông Công, ông Táo, chỉ cần thấy hương cháy đến 2/3 là các gia đình có thể mang vàng mã ra hóa và mang cá đi phóng sinh, tiễn ông Táo về trời.

Đồ cúng ông Công, ông Táo

Ở Việt Nam, mỗi vùng miền có tục thờ cúng ông Công, ông Táo riêng không giống nhau. Vì vậy mà đồ cúng cho các ngài cũng khác biệt rõ ràng.

Lễ cúng ở Miền Bắc

Người miền Bắc quan niệm lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường có: 3 bộ trang phục mũ quan ông Công, 2 mũ của hai Táo ông và 1 mũ của Táo bà. Các Ông Táo mũ thường hai cánh chuồn, còn mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Để đơn giản hóa việc cúng đồ lễ vàng mã, nhiều người chỉ cúng tượng trưng 1 cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo 1 chiếc áo và 1 đôi hia bằng giấy. Dịp cúng Táo Quân cũng là thời điểm để các gia đình dọn dẹp sạch trên bàn thờ trong gia đình, lau chùi bát hương để chuẩn bị đón năm mới.

Với người miền Bắc mâm cỗ phải đủ đầy thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, thịt gà, 1 bát canh, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi, 1 đĩa hoa quả, 3 chén rượu, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Ngoài ra, họ còn chọn 3 con cá chép đẹp và còn sống để làm phương tiện cho các Táo lên chầu trời, cúng xong gia chủ sẽ mang cá thả ra sông hồ.

Lễ cúng Táo quân ở Miền Nam

Ngoài những vật phẩm cúng chủ đạo như người miền Bắc thì ở người miền Nam mâm cỗ còn có thêm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen và một bộ “cò bay, ngựa chạy” nhưng không quá cầu kỳ như người Miền Bắc. Một số nơi ở miền Tây còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản để cúng Táo quân. Một số nơi có thể không mua cá chép thả trong chậu rồi thả ra sông. Khác với người Miền Bắc, ở Miền Nam người dân thường tiễn ông Táo vào buổi tối, từ 8h đến 11h đêm.

Lễ cúng Táo quân ở miền Trung

Việc đầu tiên trong lễ cúng của người miền Trung là phải thay cát mới trong lư hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ và thường làm lễ tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp rất long trọng. Ngoài một mâm cỗ mặn, người dân thường cúng 1 con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.

Sau khi cúng xong, tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Tiếp đó, người dân sẽ rước tượng 3 Táo quân mới lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo. Ở Huế người dân còn có tục dựng cây nêu trước sân nhà hay sân đình trong sáng 23 tháng Chạp.

Vị trí đặt đồ lễ

Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà nên được cúng trên ban thờ chính trên nhà, còn ông Táo là 3 vị trông coi việc bếp núc nên ông Táo phải được cúng dưới bếp. Chính vì vậy mà ở cả 3 miền thường cúng ông Táo ở gian bếp của mỗi gia đình.

Bài cúng ông Công ông Táo

Mỗi một vùng miền có các bài cúng khác nhau, chủ yếu bài cúng dành cho những người theo đạo Phật và có các bài cúng đa dạng. Dưới đây sẽ là bài văn khấn cúng tết ông công ông táo được khảo cứu từ các bài văn khấn Hán Nôm cổ truyền. Bạn đọc có thể tham khảo để cúng trong ngày Ông Táo của gia đình mình:

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phươngCon kính lạy Ngài đông trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Chúng con là: ……………

Ngụ tại: …………..

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương chúng con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nguồn Internet.

>> Vay tiền nhanh từ 18 tuổi cho học sinh sinh viên

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
scroll-top