24/12/2021
Tết đến mang lại niềm hân hoan cho rất nhiều người nhưng cũng khiến nhiều chủ doanh nghiệp thấy sợ vì mọi thứ cứ ùn ùn đổ lên đầu. Công việc của năm cũ chưa xong đã phải xử lý các kế hoạch kinh doanh của năm mới. Rồi tiệc tùng gặp gỡ đối tác, bạn bè và lo cả công việc trong gia đình. Vậy theo bạn chủ doanh nghiệp sợ nhất điều gì khi Tết đến?
Sợ thiếu tiền thưởng Tết cho nhân viên
“Đầu câu chuyện” những ngày này dù rất tế nhị với các chủ doanh nghiệp song không thể không nhắc đến đó là chuyện lương, thưởng Tết cho nhân viên. Trong khi đây không phải là chuyện quá to tát với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, thì ở một số nơi lại là nỗi buồn khó chia sẻ.
Đây là thời điểm chủ doanh nghiệp sợ nhất vì bao nhiêu thứ tiền phải lo nhất là lo tiền thưởng Tết cho nhân viên. Vấn đề đau đầu thường niên với các chủ doanh nghiệp khi mỗi dịp Tết đến. Với những công ty đã ổn định và hoàn thiện về chính sách thì không sao, còn biết bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ, doanh thu không ổn định thì hằng năm mức thưởng Tết lại phải "nâng lên đặt xuống", chủ doanh nghiệp phải cân đong đo đếm dòng tiền để chi mức thưởng cho phù hợp mà đảm bảo không mất lòng anh em. Vấn đề của người chủ doanh nghiệp lúc này là phải cân đối giữa nguồn tài chính doanh nghiệp và quyền lợi của nhân viên. Việc này không đơn giản là lương và thưởng mà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên, hiệu quả lao động, và sự gắn bó của nhân viên trong năm mới.
Sợ “bão giá” dịp cuối năm
Bao nhiêu thứ phải chi tiêu nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì cuối năm chủ doanh nghiệp lo sợ nhất là “bão giá”.
Hầu hết thị trường tiêu dùng cuối năm luôn là dịp để các ông chủ tăng giá các mặt hàng tiêu dùng. Đây là thời điểm mà nhiều mặt hàng nhấp nhổm tăng giá, từ đồ dùng gia dụng, thực phẩm đến đồ dùng sản xuất và nguyên - nhiên liệu. Với những doanh nghiệp sản xuất, thời điểm cuối năm không phải khó khăn cho vấn đề tiêu thụ nhưng việc tăng giá luôn là nỗi ám ảnh đầu tiên. Làm sao để duy trì sản xuất trước những cơn “bão giá”? Mức lương và trợ cấp như thế nào để công nhân yên tâm làm việc?... Đau đầu nhất là các chủ doanh nghiệp mới thành lập, họ còn phải cân đối cả chi phí thuê nhà/xưởng, tiền điện, rồi tiền tổ chức tiệc tất niên cho công nhân viên. Chưa hết nỗi lo này thì nếu bão giá hàng quà tặng Tết cũng là nỗi lo của chủ doanh nghiệp khi tặng quà Tết cho nhân viên thật khó giải quyết.
Sợ đi thu hồi công nợ của năm
Trả nợ đã khó nhưng đòi nợ còn khó hơn. Những ngày cuối năm là thời điểm chủ doanh nghiệp gần như phải chạy đua với thời gian. Đây là thời điểm mà chủ doanh nghiệp sợ nhất là phải đi thu hồi công nợ của một năm. Họ bận rộn với việc thu hồi công nợ tại những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Nếu mọi việc suôn sẻ đối tác trả tiền công nợ sớm thì không sao, nhiều doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh không tốt lắm sẽ xảy ra tình trạng không có tiền trả nợ. Đối tác tìm đủ mọi lý do để khất tiền hàng của họ như: cuối năm khát vốn, doanh nghiệp khó khăn rồi cả tôi cũng chưa thu hồi được công nợ của công ty này công ty kia. Bởi vậy mà nhiều chủ doanh nghiệp phải điên đầu vì không thu được vốn cũng chẳng có đủ tiền mà trả lương thưởng cho nhân viên.
Sợ nhân sự lặn mất tăm
Chủ doanh nghiệp có hàng trăm nỗi lo nhưng lo nhất với những doanh nghiệp sản xuất không phải là tiền thưởng, lương mà là nỗi lo về người. Đình đốn sản xuất kinh doanh là thiệt hại đau đớn đối với không ít chủ doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài, khi Tết dương lịch chưa qua, Tết âm lịch đã đến. Các doanh nghiệp gia công may mặc, giày dép cứ Tết đến là toát mồ hôi vì công nhân nhận lương thưởng về quê ăn Tết rồi “lặn mất tăm” không quay lại làm việc. Đa phần công nhân ở Việt Nam nhất là khu vực miền Trung dịp nghỉ lễ Tết họ không chỉ nghỉ Tết mà còn nghỉ cả qua rằm tháng Giêng. Nhiều khi họ về quê ăn Tết xong cũng không muốn đi làm lại nên nỗi khổ nhất của chủ doanh nghiệp sản xuất là làm thế nào để công nhân đi làm lại sau Tết. Vì vậy mà những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất thi nhau tổ chức các chuyến xe chở công nhân về quê ăn Tết để lấy cớ ra Tết thuê xe mời công nhân tận nhà để họ đi làm lại.
Cuối năm là thời gian nghỉ ngơi của đại bộ phận người dân nhưng lại mang bao nỗi lo cho chủ doanh nghiệp. Bởi vậy mà không khó hiểu khi một số vị doanh nhân vẫn thường tếu táo rằng: “Thấy sợ mỗi khi… xuân về”.
Nguồn Internet
Xem thêm
MỤC LỤC
Tỉnh/thành
Quận/huyện