19/08/2024
“Có cà vẹt là có tiền”, “Chỉ cần cà vẹt, nhận tới 30 triệu”, “Hỗ trợ vay vốn bằng cà vẹt”, “Cà vẹt trong tay, vay nhanh tiền mặt”… hàng ngàn lời quảng cáo như vậy xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng liệu cách vay được quảng cáo là rất dễ dàng này có hợp pháp hay không?
Hầu như tất cả các cửa hàng cầm đồ hiện đang cung cấp các khoản vay mà bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản xe máy hay ô tô, tức là cửa hàng sẽ giữ lại bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu phương tiện, là cà vẹt xe, chứ không cần giữ lại cả chiếc xe như cách đây 10 năm. Cách vay đó được gọi là cầm cà vẹt xe. Về cơ bản, cách vay này đem lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Với người đi vay, họ sẽ giữ lại được phương tiện để đi lại, mưu sinh. Với người cho vay, họ không còn phải quá quan tâm đến vấn đề kho bãi, bảo quản tài sản cầm cố, chống trộm cắp hay cháy nổ. Tiện cả đôi bên. Quy trình cho vay thì cũng khá đơn giản, sau khi thống nhất khoản vay, cửa hàng sẽ làm thủ tục nhập xe vào kho như bình thường. Nhưng ngay sau đó, họ sẽ làm tiếp một hợp đồng cho mượn hoặc cho thuê tài sản là chính chiếc xe được cầm cố. Nếu là hợp đồng cho mượn, người vay sẽ không phải trả phí nhưng nếu là hợp đồng cho thuê, người vay sẽ phải trả phí thuê tài sản. Mức thuế tuỳ thuộc và thoả thuận đôi bên.
F88 – một trong những chuỗi cửa hàng cho vay cầm cố lớn tại Việt Nam
Phân tích việc làm này dưới góc nhìn pháp lý, tài sản cầm cố vẫn do cửa hàng cầm đồ lưu giữ nhưng địa điểm lưu giữ lại là địa chỉ của khách hàng và điều này được ghi rõ trong hợp đồng cho thuê – một văn bản dân sự có tính pháp lý. Khách hàng có trách nhiệm bảo quản tài sản theo đúng cam kết trong hợp đồng, giữ tài sản không bị hư hỏng, suy giảm giá trị và sử dụng theo quy định của pháp luật,. Ngoài ra, doanh nghiệp cho vay có quyền thu giữ lại tài sản vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn hợp đồng.
Căn cứ pháp lý
Luật sư Cao cấp Công ty Luật ANT, ông Nguyễn Anh Tuấn, cho rằng việc cho mượn lại tài sản như vậy là phù hợp với quy định pháp luật. Cụ thể:
Tại khoản 3, điều 314 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: Bên nhận cầm cố “được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận”. Tại Khoản 2, Điều 3 nêu rõ: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Điểm k, Khoản 3, Điều 12, có quy định xử phạt đối với hành vi: “k) Nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố hoặc không lưu giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản đối với tài sản theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó”. Tại Điểm e, Khoản 4, Điều 12, Nghị định 144 cũng đã quy định xử phạt đối với hành vi: “e) Không bảo quản tài sản cầm cố hoặc bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền”.
Như vậy, việc cửa hàng cầm đồ cho mượn lại tài sản cầm cố nhưng vẫn lưu giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cầm cố được xem là có căn cứ pháp lý.
Cách vay này đã có tiền lệ chưa?
Ở Việt Nam, tuy không phải là cửa hàng cầm đồ đầu tiên triển khai hình thức vay bằng cà vẹt xe nhưng F88 lại là doanh nghiệp cho vay theo cách này một cách chặt chẽ, bài bản nhất. Còn nếu xét rộng ra ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông thì Thái Lan mới là quốc gia dẫn đầu về hình thức cho vay bằng đăng ký ô tô, xe máy này. Thái Lan hiện có ba chuỗi cầm đồ lớn là Ngern Tid Lor, Srisawad và Muang Thai Capital với tổng số gần 10.000 phòng giao dịch trên toàn quốc. Hoạt động cho vay cầm cố bằng giấy chứng nhận sở hữu tài sản (title loan) ở quốc gia này hết sức phổ biến và cũng đã có một số quy định rõ ràng.
Một quảng cáo về việc cho vay cầm cố các loại phương tiện của chuỗi cầm đồ Ngern Tid Lor (Thái Lan)
Cụ thể, ngày 31/01/2019, Bộ Tài chính Thái Lan ra thông báo quy định về Lĩnh vực kinh doanh được phê duyệt theo Mục 5 của Tuyên bố của Nghị định số 58 của Hội đồng Cách mạng (Khoản vay Cá nhân có Giám sát) Vol. 3 để điều chỉnh hoạt động cầm cố đăng ký ô tô. Theo đó, cầm cố đăng ký ô tô được định nghĩa là "cho người có quyền sở hữu ô tô vay mà bên cho vay sẽ nhận được sổ đăng ký ô tô... để đảm bảo khoản vay...”. Bên cho vay phải được Bộ Tài chính cấp giấy phép thông qua Ngân hàng Thái Lan và phải tuân thủ một số quy định như:
(i) Giá trị khoản vay không được vượt quá năm (5) lần thu nhập của bên vay;
(ii) Tổng tiền lãi, tiền phạt chậm trả, phí dịch vụ thu của bên vay không quá 28% năm;
(iii) Bên cho vay có thể thu thêm các chi phí thực tế và hợp lý ngoài lãi và phí tại mục (ii) nêu trên nhưng các khoản này phải nằm trong danh sách các khoản chi phí mà Ngân hàng Thái Lan cho phép thu;
(iv) Bên vay có quyền trả nợ đầy đủ trước khi kết thúc thời hạn cho vay mà không bị phạt hoặc bị tính phí trả nợ trước hạn;
(v) Bên cho vay phải cung cấp đầy đủ thông tin về khoản vay để bên vay quyết định có nên vay hay không, chẳng hạn như lãi suất và lãi suất phạt, bao gồm cả lịch trình trả nợ chi tiết cho từng đợt;
(vi) Trong trường hợp bên vay vi phạm thì trước khi thực hiện biện pháp bảo đảm (bán xe), bên cho vay phải thông báo cho bên vay để bên vay có thể kiểm tra thông tin hoặc khiếu nại về việc mua bán đó;
(vii) Trường hợp giá bán ô tô vượt quá số tiền cho vay thì bên cho vay phải trả lại cho bên vay số tiền chênh lệch đó
(viii) Bên cho vay phải lập báo cáo hoạt động định kỳ sáu tháng một lần và nộp báo cáo tài chính trong vòng 180 ngày kể từ ngày kết thúc mỗi năm tài chính cho Ngân hàng Thái Lan.
Như vậy, luật pháp Thái Lan đã có những quy định chặt chẽ tạo hành lang pháp lý cho việc vay tiền bằng đăng ký/cà vẹt xe. Đây có thể là những thông tin tham khảo hữu ích giúp cho các nhà lập pháp Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hơn nữa các quy định pháp lý nhằm nhằm thúc đẩy hình thức cho vay tài chính vi mô này.
Xem thêm
MỤC LỤC
Tỉnh/thành
Quận/huyện