25/06/2024
Khung thời gian lý tưởng cho các khoản vay trả góp là 12 tháng, nó phù hợp với cả hai bên, người đi vay và người cho vay. Tuy nhiên, về phía người đi vay, có rất nhiều điều mà họ phải cân nhắc kỹ càng trước khi đặt bút ký vào hợp đồng vay.
Vì sao 12 tháng là khung thời gian vay mong muốn?
Vay tiêu dùng là việc người vay nhận tiền mà không phải cam kết gì về việc sử dụng số tiền đó như thế nào. Do đó, việc vay tiêu dùng đơn giản hơn rất nhiều so với các hình thức vay sản xuất, kinh doanh khác. Nhưng ngược lại, vay tiêu dùng thường có hạn mức thấp, không quá 50 triệu đồng. Người vay tiêu dùng thường là lao động phổ thông, lao động tự do và thường vay để giải quyết việc gấp như nhập hàng thời vụ, khám chữa bệnh, đóng học phí hay góp việc nhà, việc làng… Do đó, một mong muốn khác của người vay là vay nhanh, vay gấp.
Vì số tiền vay không quá lớn và việc duyệt vay khá nhanh chóng nên người cho vay sẽ ưu tiên thu hồi nợ trong khoảng thời gian càng ngắn càng tốt, cụ thể là trong khoảng 1 năm. Do đó, cho vay tiền trả góp 12 tháng là điều kiện mà người cho vay thường đặt ra. Với khoảng thời gian này, người cho vay dễ dàng luân chuyển dòng tiền để tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Với người đi vay, nếu có kế hoạch và khả năng trả nợ rõ ràng, sẽ tránh được áp lực trả nợ kéo dài. Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết còn về thực tế, cách vay trả góp 12 tháng cũng có thể đem lại nhiều rủi ro.
Rủi ro đến từ những khoản vay 12 tháng
Đầu tiên và quan trọng nhất, ai là người cho vay? Về lý thuyết, tất cả các tổ chức tín dụng hợp pháp, dù là ngân hàng, công ty tài chính hay cửa hàng cầm đồ đều cung cấp các khoản vay trả góp 12 tháng. Tuy nhiên, có hai điều đáng chú ý. Một là hầu hết các ngân hàng và công ty tài chính đều hướng đến hình thức vay tín chấp do không phải ai có nhu cầu vay tiêu dùng cũng có những tài sản lớn như bất động sản, xe hơn để có thể vay thế chấp. Thứ hai, thời gian vay từ các ngân hàng hay công ty tài chính thường dài, từ 36 tháng đến 60 tháng vì lãi suất các khoản vay này thường thấp và để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng, công ty tài chính thì thời gian vay phải dài, khách hàng phải trả tiền lãi nhiều hơn, trong một khoảng thời gian lâu hơn. Còn vay ở các cửa hàng cầm đồ thì ngược lại, thời gian vay ngắn, tối đa 12 tháng vì đặc tính của các khoản vay cầm cố là tài sản cầm cố, ví dụ như xe máy, có thể nhanh chóng mất giá, gây thiệt hại cho người nhận cầm cố. Do thời gian vay ngắn nên lãi suất sẽ cao hơn so với lãi suất vay ngân hàng. Theo thông tin mà chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam là F88 công bố thì tổng lãi phí vay từ đơn vị này tương đương với lãi suất bình quân của các công ty tài chính, tức là khoảng từ 35%/năm. Ngoài ra, còn có những cá nhân, tổ chức khác đứng ra cho vay trong 12 tháng khác như các ứng dụng (app) cho vay ngang hàng và các cá nhân có nguồn tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, người vay phải cân nhắc và có sự chọn lựa đúng đắn vì có những đối tượng cho vay tín dụng đen đã đội lốt những cá nhân, tổ chức như thế để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người vay.
Tiếp đến là những rủi ro đến từ chính… người đi vay. Đây là vấn đề có thật, thậm chí là nhức nhối khi nhiều người đi vay thiếu tỉnh táo, thấy dễ được duyệt vay là vay ào ạt, vay từ nhiều nguồn khác nhau, vay vượt quá khả năng trả nợ để rồi “vung tay” vào những mục đích không cần thiết như để ăn chơi, để thoả mãn nhu cầu cá nhân, thậm chí là để đỏ đen. Từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, họ sẽ vướng vào một vòng xoáy nợ nần không hồi kết. Thậm chí, có nhiều người khi đã vay vượt quá nhiều lần khả năng chi trả thì buộc phải trốn nợ để rồi phải đối diện với nhiều rủi ro pháp lý khi bị khởi kiện. Thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ tìm cách thuyết phục, thậm chí giãn nợ cho khách nhưng nếu vẫn cố tình không trả, họ sẽ khởi kiện và khi đó, dù “bùng nợ” được 5 hay 10 năm thì người vay vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý như thường. Còn nếu bùng nợ từ các tổ chức tín dụng đen, hậu quả thật sự khó lường và sẽ đến ngay lập tức. Điều này đúng với mọi khoản vay, dù là 3 tháng hay 60 tháng.
Do đó, nhiều chuyên gia tài chính đã đưa ra lời khuyên đối với những người có nhu cầu vay tiêu dùng là “Chỉ vay khi thực sự cần” và “vay đúng, vay đủ, vay trong khả năng trả nợ của mình”.
Theo diendandoanhnhanvietnam.vn
Xem thêm
MỤC LỤC
Tỉnh/thành
Quận/huyện