Tiền USD rách có đổi được không và những rủi ro cho người lao động

28/07/2023

Tích lũy bằng đồng USD là một trong những giải pháp an toàn tài chính cho người lao động phổ thông với những ưu điểm nhưng kèm với đó là khá nhiều rủi ro. Một trong số đó là việc làm nhàu, làm rách đồng USD dẫn đến việc mất giá trị đồng tiền.

Cách đây vài năm, anh Trung, một công nhân một xưởng cơ khí nhỏ tại huyện Hóc Môn, được người em ở Mỹ gửi tặng 1.000 USD. Với anh, đây là tài sản quý và anh luôn để trong ví cho đỡ thất lạc. Nay nhà có việc gấp, anh muốn đổi số USD trên ra tiền Việt nhưng lại bị người mua định giá rất thấp, thấp hơn 200 nghìn đồng cho mỗi 100 USD. Những trường hợp như anh Trung không phải là hiếm và khi đó, họ nên xử lý như thế nào?

Tại sao người lao động phổ thông có xu hướng tích lũy bằng đồng USD?

Đô la Mỹ hay USD là đồng tiền chính thức của Hoa Kỳ, quốc gia có nền kinh tế lớn và ổn định nhất thế giới, nên đây cũng được coi là đồng tiền có giá trị và thông dụng nhất. Thậm chí nhiều quốc gia còn xem đồng USD là đồng tiền chính thức của mình. Tiền USD có nhiều mệnh giá, là 1, 2, 5,10, 20, 50 và cao nhất là 100 đô la. Hiện tại, 1 USD đổi được hơn 23.500 VNĐ. Chính vì có nhiều mệnh giá lớn nhỏ khác nhau và thuận tiện lưu trữ nên nhiều người lao động phổ thông tại các thành phố lớn hiện nay có xu hướng tích lũy tài sản bằng đồng USD mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không khuyến khích.

Rủi ro lớn nhất của việc tích lũy bằng đồng USD là gì?

Tuy vậy, tích lũy bằng đồng USD có nhiều rủi ro. Một là do tâm lý thường đem theo trong ví nên nhiều người vô tình làm nhầu nát đồng USD hoặc nhẹ hơn là làm mờ tờ tiền. Hơn nữa, không phải ai cũng biết và có điều kiện mua được những đồng USD mới được phát hành để tích lũy. Đây là những nguyên nhân chính yếu mà khi quy đổi tiền USD thành tiền Việt Nam, họ thường bị lỗ nhiều hơn lãi.

Tiền USD thường mất giá trong hai trường hợp là nhàu nát, rách, dính bẩn một phần tờ tiền và bị mờ số series. Trong trường hợp thứ nhất, nếu vết rách, cháy, nhàu nát hay dính bẩn lớn hơn 50% diện tích tờ tiền và do người dùng cố tình tạo ra thì sẽ không đổi được. Trong trường hợp thứ hai, nếu tờ tiền còn nguyên hình dạng, không bị giòn vỡ, vụn nát khi vo tròn và còn nhìn thấy số series thì vẫn có thể đổi được. Cuối cùng là các đồng USD tuy không đến nỗi hư hỏng, rách nát nhưng đã được sử dụng từ hai ba chục năm qua cũng sẽ bị mất một phần giá trị khi quy đổi ra tiền Việt hoặc qua tờ USD mới hơn.

Đổi tiền USD ở đâu ít lỗ nhất?

Có nhiều cách để quy đổi tiền USD ra tiền Việt. Trước đây, nhiều người đem USD ra các điểm giao dịch tài chính như các phòng giao dịch F88 hay tiệm cầm đồ nhỏ lẻ để đổi. Tuy nhiên, chuỗi cầm đồ F88 chỉ có chức năng cho vay tiền chứ không có chức năng thu đổi ngoại tệ và nếu có một số cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ nhận đổi tiền thì cũng là không hợp pháp, ẩn chứa nhiều rủi ro, nhất là trong khâu định giá.

Cách thứ hai là đem tiền đổi tại các cửa hàng vàng và các cửa hàng thu đổi ngoại tệ dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, mức định giá của các cửa hàng này không thực sự nhất quán, chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận của nhân viên đứng quầy. Đã có rất nhiều trường hợp bị từ chối đổi dù tờ tiền vẫn đủ tiêu chuẩn để được đổi và dù có đổi được thì mức phí cũng là khá cao, ít nhất cũng từ 5% - 7% giá trị chuyển đổi trở lên. Bù lại, thời gian thực hiện thủ tục đổi tiền là khá nhanh, chỉ khoảng 5-10 phút nhưng có thể đổi trong bất cứ ngày nào, kể cả cuối tuần.

Cách thức ba, đơn giản và uy tín nhất, là đem đến các ngân hàng để đổi. Hầu hết các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đều hỗ trợ khách hàng đổi tiền đô cũ, rách nhưng một số ngân hàng được nhiều người đánh giá cao là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, ACB, Techcombank, Sacombank, Eximbank. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều khách hàng thì các ngân hàng thường ưu tiên việc chuyển đổi tiền USD cũ qua tiền Việt chứ ít khi thực hiện việc đổi tiền USD cũ ra tiền USD mới. Phí chuyển đổi sẽ bao gồm 2 khoản. Đầu tiên là phí chuyển đổi từ tiền USD ra tiền Việt, giao động từ 2% - 4% giá trị số tiền chuyển đổi. Khoản thứ hai là phí chuyển đổi tiền cũ, rách. Mức phí này thì tuỳ thuộc chính sách từng ngân hàng và tùy thuộc độ cũ rách, hư hao của tờ tiền mà có thể lên tới 10% hoặc hơn nữa. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng khá “kén chọn”, chỉ nhận đổi những tờ USD không bị hư hại quá nhiều. Thời gian thực hiện việc đổi tiền tại các ngân hàng thường lâu hơn, có khi lên đến 15-30 phút mới có kết quả và chỉ được thực hiện trong ngày làm việc.

Như vậy, trong trường hợp của anh Trung, anh có thể khảo sát các điểm đổi tiền như đã nêu rồi lựa chọn địa chỉ mà anh tin tưởng nhất. Nhiều người có kinh nghiệm, thậm chí là các chuyên gia đều đưa ra hai lời khuyên cho những người lao động muốn tích luỹ bằng đồng USD. Thứ nhất là nên lựa chọn chỗ cất giữ tiền cố định, an toàn, tránh thường xuyên đem theo để giảm thiểu nguy cơ cũ, rách. Hai là khi mua vào, nên lựa chọn các đồng USD mới được phát hành và có thể lên mạng tìm hiểu, nhận dạng các đồng USD mới được phát hành nhằm tránh mua phải tiền cũ, chắc chắn sẽ mất giá khi quy đổi sau này.

Theo Tạp chí Thương hiệu & Công luận

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top