Top 6 đền chùa linh thiêng đi lễ đầu năm của doanh nhân

24/12/2021

Đi đền chùa đầu năm đã trở thành một nét văn hóa gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam, trong đó có không ít doanh nhân. Họ thường đi đền chùa không chỉ để cầu một năm làm ăn phát đạt mà còn để cầu sức khỏe và mong sự bình an trong tâm hồn.

Nhiều doanh nhân thành đạt quan niệm rằng thường xuyên đi lễ tại một đền chùa được xem là linh thiêng nào đó, họ sẽ gặp nhiều may mắn và thành đạt hơn. Dưới đây là một số ngôi đền, chùa thường được biết đến như là nơi lui tới của nhiều thương nhân vào mỗi dịp đầu năm:

 

Đền Bà Chúa Kho – Bắc Ninh

Đền Bà Chúa Kho thuộc địa phận Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là điểm đến được nhiều doanh nhân lựa chọn cho hành trình du xuân lễ chùa đầu năm. Nơi đây đặc biệt linh thiêng và được dân gian truyền tụng là ngân hàng vàng mã.

Nhiều doanh nhân tin rằng những ngày đầu năm mới đến đền bà Chúa Kho cầu nguyện, ‘vay’ tiền, công việc kinh doanh sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Đến cuối năm, dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa, dâng hương sắp lễ cảm tạ ân đức mà bà phù hộ cho một năm làm ăn của họ tại đền bà Chúa Kho.

Ngoài những ngày đầu năm trong tháng Giêng thì Đền Bà Chúa kho cũng đón rất nhiều doanh nhân tới lễ trong thời gian lễ hội kéo dài tới 3 tháng (từ 1/12 đến 30/2 Âm Lịch). Thời điểm này tại đây tương đối đông đúc do lượng khách thập phương đổ về dâng hương cầu tài lộc.

Đền Hùng - Phú Thọ

Nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Đền Hùng được xây dựng trên độ cao 175m so với mặt nước biển. Ngày 10.3 âm lịch hàng năm được xem là ngày hội chính của Đền Hùng. Nhưng ngay từ đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới, mọi người đã bắt đầu đi lễ. Nơi đây là cội nguồn của dân tộc, là nơi các vua Hùng dựng nước. Mọi người đến đây không chỉ cầu may, cầu lộc và còn du ngoạn, ngắm cảnh núi non, tận hưởng không gian linh thiêng, tĩnh mịch trong tiết trời mùa xuân.

Kiến trúc của Đền Hùng rất đẹp có 3 đền chính là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Để dâng lễ được trong đền mọi người phải lên lên 225 bậc đá đến đền Trung, leo thêm 168 bậc đến đền Trung, đi thêm 102 bậc đến đền Thượng – nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là “Kính Thiên lĩnh điện” (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Theo sử sách ghi chép và lưu truyền trong dân gian thì đây là nơi các Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài 3 đền chính, trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn có đền Giếng, đền Mẫu Âu Cơ, lăng Hùng Vương, giếng cổ, chùa Thiên Quang... để các du khách có thể thăm quan và hành lễ.

Nếu bạn có thời gian hành lễ thì nên làm lễ ở từng đền nhất là 3 đền chính, còn nếu không bạn có thể hành lễ trên đền Thượng là nơi mà các Vua Hùng tiến hành lễ tế trời đất để nhận được nhiều phước lộc từ ngôi đền. Người dân Phú Thọ và các tỉnh lân cận ngoài việc đi lễ Đền Hùng vào dịp chính lễ tháng 3, cũng thường đi lễ đầu năm cầu các Vua Hùng phù hộ cho cả năm bình an, sức khỏe, may mắn, sự nghiệp thuận lợi, kinh doanh có nhiều tài lộc. Một số người còn đi lễ tạ các Vua Hùng vào dịp cuối năm.

Ngoài việc đi thăm quan và hành lễ, đến Đền Hùng, bạn có thể thưởng thức các đặc sản địa phương như bánh chưng, bánh dày tiến Vua, bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, bánh tai Phú Thọ, xôi nếp Gà Gáy, cá Anh Vũ, cơm nắm lá cọ, tằm cọ, rau sắn, cọ ỏm, trám. và mua đồ lưu niệm tại rất nhiều nơi trong khu di tích.

Chùa Bà Thiên Hậu - Sài Gòn

Nằm ở địa chỉ 710 Nguyễn Trãi, Q.5, ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ 18 bởi những người Hoa. Đây là một nơi linh thiêng bậc nhất bạn không thể bỏ lỡ khi đến với Sài Gòn. Mỗi dịp lễ Tết, người dân Sài Gòn thường ghé đến để thắp hương cầu năm mới bình an.

Tên chính xác của nơi này là Thiên Hậu Miếu, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là miếu thờ bà Thiên Hậu. Tuy nhiên trong cách gọi dân gian ở miền Nam nước ta, cứ nơi nào linh thiêng thì đều gọi là chùa. Vì thế người ta thường gọi là chùa Bà Thiên Hậu dù cách gọi này cũng không hẳn là đúng cho lắm.

Tương truyền, Chùa Bà Thiên Hậu có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở Sài Gòn. Tồn tại đã 258 năm nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng cho kiến trúc của người Hoa. Nhiều đường nét trạm trổ, điêu khắc, hiện vật còn giá trị về lịch sử và mỹ thuật còn được lưu giữ lại. Chính điều đó đã khiến nơi đây càng thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Nếu bạn đang muốn tìm một ngôi chùa có kiến trúc đặc trưng Trung Hoa với phong cách kiến trúc Á Đông thuần khiết thì chắc chắn đây sẽ là lựa chọn hàng đầu rồi. Chùa được xây dựng theo lối tam quan cách điệu ở phần cửa chính đi vào và hai bên hông có thêm hai hành lang.

Chùa bà Thiên Hậu được chia làm ba nơi chính: Tiền điện, Trung điện và Chính điện với những gian thờ những vị thần linh trong lịch sử Trung Quốc. Chính điện là nơi thờ chính của Thiên Hậu Thánh Mẫu với tượng bà Thiên Mẫu được tạc từ khối gỗ nổi bật giữa không gian vô cùng tĩnh mịch, kỳ bí và linh thiêng. Tiền điện là nơi đặt miếu thờ của Phúc Đức Chánh thần (thần thổ địa – người cai quản đất đai của nhân dân) và Môn Quan Vương tả (thần giữ cửa). Cuối cùng là Trung điện với bộ lư cổ hơn 130 tuổi lâu đời nhất lịch sử với nhiều nhiều nét điêu khắc tỉ mỉ, tinh xảo.

Điểm nhấn của ngôi chùa Bà Thiên Hậu là những chiếc vòng nhang treo trên không độc đáo. Người viếng có thể mua vòng nhan, ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình lên giấy. Sau đó bạn treo lên cùng với nhang để cầu xin với bà Thiên Hậu.

Chùa Linh Ứng – Đà Nẵng

Chùa Linh Ứng được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp với nét truyền thống vốn có của các ngôi chùa tại Việt Nam, mái ngói được uốn cong có hình con rồng, các cột trụ to và vững chắc được người thợ tỉa tót rất kỹ lưỡng tạo thành hình những con rồng uốn lượn một cách tinh xảo và nghệ thuật.

Bạn sẽ không khỏi choáng ngợp khi được chứng kiến tận mắt bức tượng Phật Quán Thế Âm cao tới 67m, đường kính tòa sen là 35m. Tượng Phật Quán Thế Âm đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa. Trên mão tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.

Đi tiếp vào bên trong, bạn sẽ được ngắm nhìn Điện chính của ngôi chùa, với sức vẻ đẹp nguy nga cùng sức lớn thu hút mọi ánh nhìn của các du khách khi đặt chân tới đây. Chính giữa là tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mô Ni, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, và bên trái là Tam Tạng Phật, 4 vị Thần Long Hộ Pháp cùng 18 vị La Hán được sắp xếp theo một quy luật, bảo vệ cho chính điện.

Đứng từ 17 tòa tháp này, bạn có thể ngắm nhìn phong cảnh thiêng liêng thanh tịnh của ngôi chùa, phóng tầm nhìn ra xa bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh núi rừng nơi biển đảo Sơn Trà, đây là điều vô cùng ý nghĩa mà không nên bỏ qua khi đến với Linh Ứng Tự. Sáng sớm hay là ban chiều, là thời điểm thích hợp để bạn ngắm bầu trời trong xanh, làn mây trắng và tận hưởng những làn gió tươi mát từ biển Sơn Trà, một trải nghiệm hết sức tuyệt vời mà ta không thể bỏ lỡ phải không nào. Không những vậy, khi màn đêm buông xuống, bạn hãy đứng tại cổng chùa và nhìn xuống, bạn sẽ nhìn thấy một vệt sáng dài của ánh đèn thành phố giống như một vệt sao băng trên bầu trời lung linh huyền ảo đến khó tả.

Với vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, cùng danh tiếng vang rộng khắp cả nước, nên Chùa Linh Ứng luôn khiến cho các doanh nhân phải tò mò, muốn được ghé thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa linh thiêng nhất của thành phố biển Đà Nẵng.

Đền Ông Hoàng Mười – Nghệ An

Đền thờ ông Hoàng Mười bên dòng sông Lam là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng với khách du xuân. Nhiều doanh nhân tin rằng nếu đầu năm lễ ông Hoàng Mười thì năm đó sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió, kinh doanh lợi nhuận cao.

Đền Ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá huỷ. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.

Dù trải qua lịch sử, bị hư hỏng, đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Có người cho rằng Ông Hoàng Mười là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình, vốn là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên. Theo lệnh thiên đình, ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Còn theo lời kể ở vùng Hà Tĩnh, ông Hoàng Mười chính là Lê Khôi, vị tướng tài, cháu ruột và là người theo Lê Lợi chinh chiến trong mười năm kháng chiến chống quân Minh.

Đền cô Sáu – Côn Đảo – Bà Rịa Vũng Tàu

Côn Đảo là nơi chôn cất của hàng vạn chiến sĩ cách mạng của Việt Nam. Cũng là nơi lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, dấu tích của lịch sử. Chính điều đó đã biến Côn Đảo là khu du lịch tâm linh lớn nhất nhì trên cả nước. Đi lễ tại Côn Đảo là điều mà những du khách khi đến đây mong muốn.

Không chỉ là minh chứng của lịch sử hào hùng, Côn Đảo giờ đây còn là một trong những địa điểm linh thiêng bậc nhất với những địa danh tâm linh nổi tiếng. Nghĩa trang Hàng Dương, miếu bà Phi Yến, Chùa Núi Một, mộ cô Sáu… mỗi địa danh mang trong mình một câu chuyện riêng, nhưng đều là những địa điểm chứa đựng niềm tin, và những ước nguyện của người dân Côn Đảo và cả du khách.

Mộ cô Sáu từ lâu đã là biểu tượng gắn liền với hình ảnh Côn Đảo. Nằm tại khu C nghĩa trang Hàng Dương, mộ cô Sáu là địa điểm thu hút đông đảo du khách đến dâng lễ. Cũng bởi nổi tiếng linh thiêng, luôn che chở cho những người thành tâm hướng thiện mà mộ cô Sáu không lúc nào thiếu vắng người đến hành lễ dâng hương.

Nếu cô Sáu không linh thiêng thì sẽ không có những cán bộ cấp cao, đến lễ Cô Sáu hàng tháng, hàng năm vào những ngày lễ ngày rằm. Và nếu không thật sự linh thiêng thì sẽ chẳng có những người vàng đeo đầy người, kinh doanh phất phới, tiền tiêu không hết vẫn thành tâm đến lễ cô hàng tháng.

Du khách đi viếng mộ cô Sáu thì đặc biệt hơn một chút. Hàng ngày vào giờ Tý (sau 22h đêm) là lúc mộ cô Sáu đông người đến dâng lễ nhất. Theo người dân trên đảo, đó là khung giờ linh thiêng, thành tâm đi lễ vào thời điểm đó ước nguyện sẽ dễ thành hiện thực.

Chính vì sự linh thiêng và lịch sử ghi nhận về một người nữ anh hùng trẻ tuổi này mà hàng năm cứ vào tháng Giêng số lượng người tới viếng và lễ đền cô càng lúc càng đông hơn.

Nguồn Internet

 

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top