Doanh nghiệp nội hưởng lợi khi Việt Nam liên tục nâng hạng tín nhiệm

27/06/2023

Sức mạnh kinh tế Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là căn cứ để tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đưa nước ta vào “tầm ngắm”.

2022 được gọi là năm “bội thu” của Việt Nam, khi Moody’s, S&P và Fitch Ratings - ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu quốc tế - đồng loạt duy trì/nâng bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn quốc gia.

Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia là căn cứ để “nâng trần” xếp hạng với tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Giới phân tích dự báo một số doanh nghiệp có thể sớm được nâng hạng, thêm cơ hội đa dạng kênh huy động vốn, cụ thể là huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Xếp hạng tín nhiệm phản ánh khả năng chống chịu trước “cú sốc” vĩ mô

Ngày 6/9/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, triển vọng “Ổn định”. Thang xếp hạng của Moody's từ Aa đến Caa, với mỗi một thứ hạng, tổ chức này thêm các con số 1, 2 và 3 (con số càng thấp thì xếp hạng càng cao). Hạng Ba2 được đánh giá là có yếu tố đầu cơ, rủi ro tín dụng đáng kể.

Theo công bố của Moody’s, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc nhóm bốn nước trên toàn cầu được nâng bậc tín nhiệm (tính từ đầu năm đến tháng 9/2022). Trước đó vào năm 2021, Moody’s từng nâng hai bậc triển vọng của Việt Nam - điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19.

Chỉ trước thời điểm Moody’s nâng hạng tín nhiệm Việt Nam khoảng 4 tháng, S&P Global Ratings (Standard & Poor's) - một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới - cũng nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”. BB+ là mức xếp hạng cao nhất trong nhóm BB - nhóm điểm được định nghĩa “khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ thấp, chịu tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính”.

Sớm hơn vào tháng 3/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.

Bang xep hang Moody anh 2
Năm 2022, Việt Nam liên tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia. Ảnh: Getty.

Động thái nâng hạng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế phần nào phản ánh cái nhìn tích cực với Việt Nam, tập trung vào sức mạnh kinh tế và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” vĩ mô bên ngoài. Luận điểm này phần nào được củng cố khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dành những cụm từ như “điểm sáng trong bức tranh xám màu”, “tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, tự cường” hay “vượt bậc ngoài dự báo”... để đánh giá sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 năm 2022.

Phản ánh nội lực vững vàng

Nhìn nhận sâu hơn vấn đề, TS Bùi Lê Minh - Giảng viên ngành Tài chính Kế toán kiêm Giám đốc Vận hành Trung tâm khởi nghiệp, Đại học FPT - cho rằng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam có xu hướng tốt là tín hiệu tích cực với tổ chức đi vay, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt Nam.

“Việc ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách, công tác điều hành chính sách của Việt Nam đang được cộng đồng đầu tư quốc tế quan tâm, ghi nhận”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia, nhìn vào nội tại, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia là hệ quả của chính sách điều hành vĩ mô và kinh tế linh hoạt, chủ động. Đây cũng là điểm thay đổi đáng chú ý của Việt Nam trong năm nay.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - SBV - đang đi ngược xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong khi FED tăng lãi suất 11 lần từ tháng 3/2022, nhằm kiềm chế lạm phát, SBV lại giảm lãi suất điều hành đến 3 lần để kích thích kinh tế trong nước”, vị chuyên gia nhận định.

Bang xep hang Moody anh 3
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đi ngược xu hướng chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ngoài ra, TS Minh cho rằng lượng lớn vốn đầu tư (1 triệu tỷ đồng tại kho bạc), các gói hỗ trợ (lên đến 120.000 tỷ đồng) đang đợi giải ngân làm “vốn mồi” là cơ sở để tổ chức kinh tế như ADB, WB, IMF và những ngân hàng lớn dự đoán GDP của Việt Nam tăng trưởng ổn định bất chấp khó khăn toàn cầu. Điều này đến từ sự dịch chuyển vốn đầu tư, dòng tiền chảy vào Việt Nam dù lãi suất giảm, lạm phát và chi tiêu ở mức thấp.

Trên hết, điều này phần nào cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong lộ trình thực hiện mục tiêu đề ra theo Quyết định số 412/QĐ-TTg do Phó thủ tướng ký ngày 31/3/2022, phê duyệt “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.

Doanh nghiệp hưởng lợi kép

Cũng theo TS Bùi Lê Minh, việc nâng hạn tín nhiệm dài hạn cho thấy năng lực cạnh tranh và khả năng thu hút vốn của một quốc gia. Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ có chi phí rẻ hơn, thanh khoản cao hơn trên thị trường quốc tế. Đơn cử, Chính phủ Việt Nam từng phát hành thành công ba đợt trái phiếu quốc tế vào năm 2005, 2010 và 2014, với chi phí phát hành rẻ đều qua các năm nhờ hệ số, triển vọng tín nhiệm quốc gia được cải thiện, kết hợp điều kiện thị trường vốn quốc tế thuận lợi.

Ngoài ra, dựa trên phân tích và khuyến nghị của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các dòng vốn đầu tư có nhiều căn cứ để đưa ra quyết định, cân nhắc chọn Việt Nam là nơi đặt dây chuyền sản xuất hoặc thông qua đầu tư tại thị trường tài chính, thị trường vốn.

“Việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia giúp giảm chi phí đi vay của Chính phủ, đồng thời hạ chuẩn benchmark rate - tỷ lệ điểm chuẩn. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi huy động vốn qua kênh trái phiếu dễ dàng hơn, chi phí vay thấp hơn, đặc biệt trái phiếu quốc tế”, chuyên gia phân tích.

Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đa dạng kênh huy động vốn, cụ thể là huy động vốn trên thị trường quốc tế. Dẫn chứng từ câu chuyện của F88 trong năm 2022 - thời điểm Việt Nam lần lượt được các tổ chức tín nhiệm quốc tế nâng hạng. Đơn vị này huy động vốn thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế lớn tại châu Á và châu Âu, giúp giảm áp lực với nguồn vốn trong việc sắp xếp dòng tiền mua lại trái phiếu trước hạn. Trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng các ngân hàng thương mại của Việt Nam, nghị định về vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được siết chặt, kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, những dòng vốn từ quốc tế “rất quý” với doanh nghiệp như F88.

Trước đó, thời điểm cuối năm 2021, F88 được FiingRatings đánh giá xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành lần đầu ở mức “BBB-”, với triển vọng “Ổn định”. Mức xếp hạng này phần nào cho thấy FiinRatings đánh giá cao F88 ở khía cạnh vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay cầm cố tại Việt Nam.

Bang xep hang Moody anh 4
Chính phủ từng bước đưa Việt Nam nâng hạng lên mức tín nhiệm “Đầu tư”.

Từ nay đến 2030, chiến lược của Chính phủ là từng bước đưa Việt Nam nâng hạng lên mức tín nhiệm “Đầu tư”. Đánh giá về mục tiêu này, TS Bùi Lê Minh khẳng định không cần đợi đến 2030 để trở nên hấp dẫn trong mắt các tập đoàn đa quốc gia và nhà đầu tư. Với nền tảng kinh tế tốt, Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động sản xuất, thương mại dịch vụ.

“Việt Nam là điểm đến để đa dạng nguồn cung, tránh phụ thuộc thị trường duy nhất. Đến 2023, việc này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi 50 tập đoàn của Mỹ đến Việt Nam khảo sát, đầu tư và đặt nhà máy”, chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên trong cơ cấu xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI đang chiếm 2/3 tổng giá trị. Dưới góc nhìn chuyên môn, điều này cho thấy vai trò của các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn còn khiêm tốn. Để cải thiện cán cân thanh toán và chủ động hơn trong cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp Việt nên tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm thay vì gia công. Đây là cách doanh nghiệp đóng góp, đẩy nhanh lộ trình nâng hạng tín nhiệm quốc gia.

Theo Zing News

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top