Trang Hạ từng được Forbes bình chọn là một trong "50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội lớn tại Việt Nam" 2017 với tư cách nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới. Dịp 8/3, nhà văn tham gia podcast VnExpress hôm nay với chủ đề: "Phụ nữ muốn tự chủ cần độc lập tài chính".
Mở đầu, theo nữ chuyên gia, khái niệm "yếu thế" gồm ba lớp. Đầu tiên là nhóm nghèo, thất học, nạn nhân của bệnh tật ở con cái - người thân, có năng lực nhưng yếu kém tài chính. Nhóm thứ hai có năng lực, kinh tế nhưng mất quyền quyết định; họ ở trong những mối quan hệ phức tạp, bị ngăn trở bởi định kiến tôn giáo, sắc tộc, vùng miền. "Thậm chí giữa đô thị, có người học thạc sĩ, làm chủ tịch, giám đốc nhưng vẫn ký những đơn cho chồng lấy vợ bé vì họ không thể có con", Trang Hạ nêu.
Nhóm thứ ba, là những người mất công việc (do Covid-19, sau khi sinh con). Thất nghiệp, họ phải bán hàng rong, mở bếp ăn để sinh nhai. Xã hội thấy họ ổn vì vẫn đẹp, vẫn có thu nhập nhưng họ nhìn nhận mình yếu thế mà không thể chia sẻ ra.
Nhà văn nêu nhiều con số đáng chú ý khác như cùng một công việc, chức vụ, hiệu suất thì phụ nữ chỉ nhận mức thu nhập tối đa bằng 80% nam giới. Ngoài ra còn những thứ vô hình, không đong đếm được như mỗi ngày phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn nam giới hai tiếng. Chưa kể, nữ giới chiếm đến 94,7% tổng lao động có thu nhập thấp như lao công, tạp vụ.
"Khi tham gia các chiến dịch truyền thông phụ nữ yếu thế, tôi nhận thấy họ không được tiếp cận giáo dục cơ bản ở gia đình cũng như nơi làm việc. Kinh tế là một bài toán khó với họ", Trang Hạ nhấn mạnh. Theo chị, khi độc lập về kinh tế, người phụ nữ mới có thể mạnh dạn độc lập về tinh thần, tư tưởng cũng như tình cảm, tận hưởng niềm hạnh phúc của cuộc sống.
Để kinh doanh, đầu tiên phụ nữ cần có vốn. Tuy nhiên phụ nữ yếu thế thường gặp rào cản về thu nhập, địa lý, hoàn cảnh, thất nghiệp hoặc là mẹ của 3-4 đứa trẻ, có cả những đứa con mắc bệnh. Như vậy, họ rất khó tiếp cận với những nguồn vốn thông thường như vay ngân hàng, tín dụng... Vì vậy nếu không thể tiếp cận qua ngân hàng, nữ giới có thể tìm kênh hỗ trợ khác như nhà hảo tâm, cơ chế tín dụng, hỗ trợ nguồn hàng kinh doanh, cơ chế cho phép gối đầu - trả nợ chậm...
"Tôi thường khuyên mọi người, để giúp đỡ phụ nữ, thì hãy quên đi khái niệm CSR (trách nhiệm xã hội) mà cần nghĩ đến chữ CSV (Creating Shared Value - tạo giá trị chung", chuyên gia nói.
Nghĩa là khi cho vay, cần nhìn nhận khoản vay này sẽ làm gì, tương lai khoản vay thế nào, cách giúp phụ nữ quản trị vay. Người phụ nữ khi được đồng hành đúng cách sẽ tiến xa hơn. Bởi theo Trang Hạ, phụ nữ yếu thế có điểm mạnh là sự linh hoạt, cam kết sống tử tế với xã hội.
Làm rõ hơn, chuyên gia cho biết để tạo sinh kế bền vững, nhóm này không chỉ cần tiền hay người cho vay tiền. Họ cần thêm sự hướng dẫn về cách nhìn nhận vấn đề và nguồn lực bản thân, cách marketing sản phẩm, bán hàng online lẫn offline, chăm sóc khách hàng.
"Hầu hết phụ nữ gặp khó khăn ở chỗ, sau khi giải quyết vấn đề nguồn vốn thì gặp bế tắc về phát triển. Để cạnh tranh không chỉ cần dựa vào bản năng và nỗ lực mà cần thêm cả kiến thức", chị nói.
Lấy ví dụ, chị Nguyễn Thị Bạch Huệ (Kon Tum) được F88 hỗ trợ trong chương trình số vốn 20 triệu đồng đủ để làm một xe bánh khọt, với mức gốc và lãi ưu đãi. Chương trình không chỉ dừng ở con số 20 triệu đồng mà còn đi kèm sự tư vấn để họ biết sử dụng đồng vốn hiệu quả. Từ hàng bánh khọt, chị dần mở rộng thêm gánh xôi với sự hỗ trợ của mẹ, có thêm kế sinh nhai cho cả gia đình.
Chuyên gia gợi ý, nếu muốn học về tiếp thị, truyền thông, chăm sóc khách hàng, phụ nữ có thể đăng ký dự các khóa miễn phí của một số tổ chức như Wish, Haga, Meta, học viện nội dung... Nữ giới cũng có thể tìm cho mình một cố vấn - những người đã thành công trong mô hình kinh doanh hoặc các chuyên gia đào tạo.
"Tôi nhấn mạnh vào 4 chữ 'đo ni đóng giày' - tức mỗi mô hình kinh tế cần xây dựng theo từng hoàn cảnh, năng lực của phụ nữ. Khi đó, những đồng vốn sẽ được đảm bảo, nhân lên", Trang Hạ phân tích.
Một lưu ý khác, nhà văn cho biết nên cảnh giác nếu có những người cho vay một quá dễ dàng. Họ có thể cho vay để lấy lãi cao mà không cần biết đến mục đích. Nếu là một phụ nữ yếu thế, không nên ỷ lại vào những gói dễ tiếp cận mà hãy tìm kiếm những người có thể đồng hành, quan tâm đến cách người vay làm kinh tế. Họ không dễ dàng cho vay lập tức nhưng sẽ đưa ra định hướng và con đường hiệu quả cho tương lai.
"Khi gặp các nhà đầu tư, hãy chuẩn bị sẵn một cơ số câu trả lời kèm theo một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, nếu được hãy viết kế hoạch kinh doanh lên giấy A4, điều này sẽ tạo cho bạn ưu thế", chị nói.
Đầu tháng 3, F88 vừa triển khai chương trình vay dành riêng cho nữ giới với hạn mức vay khoảng 20 triệu đồng, điều kiện vay đơn giản, mức phí ưu đãi 50% so với thông thường mà doanh nghiệp này áp dụng. Gói được nghiên cứu dựa trên đặc điểm của khách hàng mục tiêu của đơn vị, vì cứ 3 người đến F88 để vay thì có 1 người là nữ giới. Ngoài ra, tỷ lệ khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh đứng top 3 mục đích vay, đạt trên 21% trong năm 2023. Trong đó, khách hàng nữ chiếm gần 45%.
Theo VnXpress