04/03/2025
Có người đã khóc… có người chỉ lặng đi vì đâu còn nước mắt để khóc… đó là cảm xúc chung của những nhân vật Ước mơ xanh. Nhưng là những người thực hiện chương trình, chúng tôi biết, đó là khi những nụ cười đã bắt đầu được “làm mới”, cho cả hai.
Ước mơ xanh là chương trình hỗ trợ phụ nữ yếu thế khởi nghiệp do F88 tổ chức với nguyên tắc “trao cần câu, không trao con cá”. Nguyên tắc này giúp nhân vật có thể vươn lên bền vững, bằng đôi tay và những giọt mồ hôi, chứ không phải bằng cách nhận một khoản tiền rồi khi tiêu hết thì trở về với những khó khăn vốn có. Ở góc nhìn xã hội là vậy nhưng ở góc nhìn của những người thực hiện chương trình, có nhiều điều để nói hơn…
Tôi bước vào Ước mơ xanh với một trái tim chai sạn trước khó khăn của người khác sau hơn 20 năm gắn bó với các chương trình thiện nguyện của nhiều đơn vị và của chính F88. Nhưng Ước mơ xanh giúp tôi vỡ lẽ rằng những gì từng gặp hoá ra chỉ là bề nổi của một tảng băng trôi. Bề nổi ấy, trong tôi, là những đôi tay gầy gò đưa ra nhận vội lấy túi quà rồi cúi mặt bước đi thật nhanh, chừng như xấu hổ. Nhưng với phần chìm thì khác. Ước mơ xanh cho tôi cơ hội khám phá phần chìm ấy khi phải đến tận nhà, ngồi cùng nhân vật cả ngày để rồi mắt được nhìn, tai được nghe, tim được rung động trước những khắc nghiệt cuộc đời mà họ, những người phụ nữ yếu thế, phải cam chịu bởi không có con đường nào khác. Vì họ nghèo ư? Đúng nhưng chưa đủ! Họ thiếu một hướng đi? Có thể, nhưng quan trọng là họ thiếu một niềm tin, một sự ủng hộ. Khi tôi hiểu được điều đó thì cũng là lúc Ước mơ xanh tặng quà, cho cả hai chúng tôi. Với những người phụ nữ ấy là cơ hội vươn lên, là niềm tin rằng họ sẽ làm được, rằng gia đình họ sẽ đỡ khổ. Còn với tôi là sự rung động trở lại của con tim ngỡ đã chai sạn.
Nhưng nào có ai thoát nghèo chỉ bằng niềm tin? Vậy là nhóm thực hiện chương trình phải tìm cách để hiện thực hoá giấc mơ thoát nghèo ấy, bắt đầu từ câu hỏi - “Nuôi con gì? Bán cái gì?”. Cô Lệ biết nấu cơm; cô Thuý giỏi nêm hủ tíu; bún bò em Đào khá ngon; cô Tuấn từng nấu bò kho, chị Tư thì quen nuôi lợn còn nhóm bạn nữ khiếm thính thì muốn làm sữa hạt… Khổ nỗi, Ước mơ xanh không có… phép màu còn anh em tôi thì chẳng phải… giáo viên hướng nghiệp. Vậy là đi học và phải thành chuyên gia trong… một ngày, tức là không chỉ biết nấu bún bò mà “khủng” hơn, phải biết mở một quán bún bò, thậm chí là “lo” luôn vụ vận chuyển nguyên một mô hình kinh doanh đến tận nơi. Nào đã hết, còn phải “len lén” quay lại, tìm hiểu nhu cầu “thị trường dưới đó” để chắc rằng mô hình sinh kế sẽ không phải… đóng cửa sớm vì ế. Tất cả chỉ trong mươi ngày, nửa tháng. “Cực hơn cả mở quán cho mình anh ạ!” Huyền Trang nhiều lần than thở nhưng là thứ than thở lạ lắm khi ai cũng thấy lấp lánh trong mắt cô ấy là sự vui mừng.
Có người đã khóc… có người chẳng còn nước mắt để khóc, họ chỉ lặng đi trước món quà từ Ước mơ xanh. “Hồi giờ đã ai tặng gì đâu? Mà bất ngờ quá, biết nói gì?”, cô Thuý, người phụ nữ 67 tuổi mà nặng có 27kg ở Bến Tre đã nói vậy khi nhận được toàn bộ vật phẩm để mở lại quán hủ tíu mà má cô từng để lại. Chúng tôi hiểu cuộc đời những người như cô Thuý vốn ít nụ cười, ít được quan tâm. Họ cũng đã quen với điều đó, đến độ chẳng tin sẽ có ai đó quan tâm đến mình. Nhưng Ước mơ xanh quan tâm, F88 quan tâm, chúng tôi quan tâm. Từ đó, những nụ cười được “làm mới”… vì món quà, vì cơ hội thoát nghèo và vì đã cho họ niềm tin rằng vẫn còn ai đó thực sự quan tâm đến họ.
“Nay cô bán được gần 60 tô lận, Trang ơi!”, “Em bán được gần chục ký bún mỗi ngày anh ạ!”, “Mấy bữa nay bán được, có con Hương bán phụ, khoẻ á con!”... Những người thực hiện chương trình thường xuyên được “cập nhật tình hình” như thế. Thậm chí, “Hôm nay cô nấu 50 phần xôi từ thiện cho người nghèo, để cho mày 5 phần, qua lấy nghe Trung! Mang về cho cả con Trang nữa!” hay “Lần sau về Lộc Ngãi ăn bún bò là không được trả tiền đâu nghe, trả là không quen biết nữa nghe!”... Đó là “tác dụng phụ” của Ước mơ xanh, biến chúng tôi thành người nhà. Ai bảo cho đi không phải là nhận lại chứ?
“Các sếp bảo 2025 cố gắng mỗi tháng hỗ trợ hai trường hợp anh ạ! Gấp đôi năm nay!” Huyền Trang, người luôn xuất hiện với vai trò đại diện Ước mơ xanh trong mỗi chương trình, nói như thế trong một sáng cuối năm. “Mừng quá chứ! Vất vả hơn nhưng vui. Phải cảm ơn F88 đã quyết liệt với chương trình ấy. Em có công nhận rằng làm Ước mơ xanh, mình “nhận về” còn nhiều hơn “trao đi” không?” Đáp lại tôi là một nụ cười rạng rỡ…
F88.vn
Xem thêm
MỤC LỤC
Tỉnh/thành
Quận/huyện