Thách thức huy động thành công nguồn vốn quốc tế?

24/11/2022

Khi các kênh trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có dấu hiệu chững lại thì vay vốn quốc tế trở thành hướng đi mới, hiệu quả giúp các ngân hàng, các tổ chức tài chính phi ngân hàng có nguồn vốn phát triển. Tuy nhiên, để vay được thì hoàn toàn không dễ. 

Liên tiếp các thương vụ thành công

Chỉ trong hơn một tháng, hàng loạt ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam công bố đã vay vốn thành công từ quốc tế. Đầu tháng 11, Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPbank) chính thức công bố vay thành công 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỉ đồng từ năm định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.. Trước đó, vào tháng 4/2022, ngân hàng này cũng đã nhận giải ngân 600 triệu USD từ các định chế tài chính như SMBC, Maybank, Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Không chỉ mình VPbank, trước đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng đã công bố vay thành công 200 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) và 220 triệu USD từ Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng 5 quỹ đầu tư quốc tế khác. Ngoài ra còn có ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) với khoản vay trị giá 150 triệu USD, tương đương 3.700 tỉ đồng, cũng từ IFC. 

Không chỉ các ngân hàng mà các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng đã thực hiện thành công nhiều thương vụ vay vốn ngoại ấn tượng. Điển hình nhất là chuỗi cửa hàng tài chính tiện ích F88 với việc huy động thành công 60 triệu USD, tương đương 1.440 tỉ đồng từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và từ Lendable, nâng tổng mức huy động vốn ngoại của doanh nghiệp này trong năm 2022 lên 70 triệu USD. Đây là lần đầu tiên Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) giải ngân cho F88 nhưng khoản vay trị giá 50 triệu USD là khoản vay tối đa mà quỹ này dành cho một doanh nghiệp tại Việt Nam. Trước đó, cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp Việt Nam nhận được mức vay tối đa này. Còn với Lendable, đây là lần giải ngân thứ hai mà quỹ này dành cho F88, lần giải ngân trước là vào đầu năm 2022, cũng có trị giá 10 triệu USD như lần giải ngân này.

Người trong cuộc nói gì?

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng trong điều kiện các kênh huy động vốn mang tính truyền thông như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán có dấu hiệu chững lại thì việc chuyển hướng huy động vốn từ các tổ chức quốc tế là một hoạt động sáng tạo, mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp nhưng để vay được thành công thì rất khó. Khác với các kênh huy động vốn truyền thống trong nước, khi làm hồ sơ vay vốn, các doanh nghiệp phải chứng minh rất nhiều vấn đề. Đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ vẫn là quy mô và tiềm năng thị trường. Việt Nam về cơ bản vẫn là thị trường tài chính mới nổi, nhiều tiềm năng. Tiếp đến là quy mô và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một thách thức lớn khi thuyết trình với đối tác nước ngoài bởi họ sẽ căn cứ vào con số kinh doanh thực tế, vị trí thực tế của doanh nghiệp trên thị trường, chiến lược phát triển kinh doanh, chất lượng nhân sự và văn hoá doanh nghiệp. Phải là những doanh nghiệp, tổ chức được đầu tư bài bàn, có chiến lược rõ ràng, có chỉ số kinh doanh trung thực, đáng tin cậy thì mới gây được ấn tượng với đối tác. Quan trọng nhất, khi lập dự án vay thì phải thuyết trình, cam kết rõ ràng về mục đích vay và kế hoạch sử dụng khoản vay một cách chi tiết. Việc thuyết trình chỉ bằng các tính từ hoa mỹ hay tận dụng các mối quan hệ cá nhân không đem lại hiệu quả. 

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc F88, cho biết công ty đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để thuyết trình một cách hiệu quả nhằm có được khoản vay tối đa từ CLSA. Tuy nhiên, cũng có một lợi thế trong lúc đàm phán là việc từ lâu, văn hoá doanh nghiệp của F88 đã đề cao giá trị trưng thực nên dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác và công ty sẽ sử dụng nguồn lực tài chính này để hỗ trợ nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, nhất là những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng. 

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, thì cho biết thêm: "Các nguồn vốn mà VPBank vay được sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy những chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội...". Còn ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, thì thông tin rằng nguồn vốn từ khoản vay mới này sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của NH, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường.

Như vậy, có thể thấy thêm một vấn đề rất chung là khi duyệt khoản vay, ngoài việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng tại Việt Nam phải đảm bảo kết quả kinh doanh, khả năng hoàn vốn… thì cũng phải đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn vay sao cho đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội nhất. Đây là vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và chỉ có những doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh của mình đem lại những giá trị thiết thực, hiện hữu cho cộng đồng, được cộng đồng ghi nhận thì mới dễ tiếp cận được các khoản vay từ quốc tế. Điều này cũng ít nhiều thể hiện thông qua các phát biểu của chính bên cho vay, như lời bà Carol Lee Park, Giám đốc điều hành của Lending Ark, đơn vị đã hai lần giải ngân cho F88 phát biểu: "Khoản tài trợ sẽ góp phần hỗ trợ khách hàng không đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được nguồn tài chính truyền thống, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam".

 

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
scroll-top