Hiểu thế nào cho đúng về các công ty tài chính cho vay online

14/07/2024

Nhu cầu vay tiêu dùng đang ngày một tăng và để đáp ứng nhu cầu này, hàng loạt công ty tài chính đã xuất hiện, cung cấp nhiều giải pháp vay được đánh giá là nhanh chóng, dễ dàng, đặc biệt là 100% online. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điều đáng để lưu tâm khi vay tiền từ các công ty này!

Các công ty tài chính cho vay online có hợp pháp không?

Đầu tiên, cần xác định rõ là các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý đều không cung cấp dịch vụ cho vay online 100%, đặc biệt là với khách hàng mới. Dù các đơn vị này vẫn luôn quảng cáo là số hoá, là online nhưng để hoàn tất khoản vay, nhận giải ngân thì ít nhất khách hàng cũng phải đến phòng giao dịch của họ hoặc trực tiếp gặp mặt nhân viên của họ để xác minh thông tin. Khi khách hàng đã vay và hoàn tất nghĩa vụ trả nợ toàn bộ khoản vay đúng hạn ít nhất một lần, các ngân hàng, công ty tài chính có thể duyệt vay 100% với các lần vay tiếp theo nhưng nhấn mạnh rằng việc này chỉ diễn ra đối với khách hàng thân thiết, có lịch sử giao dịch “sạch” mà thôi. Còn các tổ chức tín dụng hợp pháp khác như cửa hàng cầm đồ được nhà nước quản lý và cấp phép cũng yêu cầu khách hàng hoàn tất thủ tục tại cửa hàng chứ không cung cấp dịch vụ cho vay online 100%.

Vậy các công ty tài chính cho vay online là ai? Về cơ bản, có thể chia thành hai loại hình công ty tài chính cho vay online.

Rất nhiều các ứng dụng cho vay online xuất hiện trên chợ ứng dụng App Store và Google Store

Một là các công ty tài chính hoạt động theo giấy phép cho vay ngang hàng (P2P Lending) trên nền tảng công nghệ số. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, P2P Lending là hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng Fintech do công ty P2P Lending thực hiện với vai trò trung gian kết nối người đi vay với người cho vay. Tuy nhiên, trong dự thảo về cơ chế hoạt động của các công ty P2P, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nêu rõ: “không được thực hiện các hành vi như cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng,... Một điểm chung khác là mọi công ty tài chính hoạt động theo giấy phép cho vay ngang hàng đều giao dịch với khách hàng trên ứng dụng di động (app) hoặc trên website chứ không nhất thiết phải có phòng giao dịch cố định. Số lượng các công ty tài chính hoạt động theo giấy phép P2P đã tăng từ khoảng 40 đơn vị vào năm 2016 lên đến khoảng 200 đơn vị vào giữa năm 2022. Một số công ty tiêu biểu là Tima, Finn, Eloan, VayMuon, Lendbiz…

Hai là các cá nhân, tổ chức không có chức năng cung cấp dịch vụ tài chính nhưng vẫn phát triển các ứng dụng vay tiền, đưa lên App Store, Google Store và dụ dỗ người có nhu cầu vay tải app, đăng ký khoản vay, sau đó vẫn giải ngân một cách hết sức nhanh chóng. Những cá nhân, tổ chức này được xã hội nhìn nhận là tín dụng đen đội lốt công ty tài chính, hoạt động bất hợp pháp.

Những rủi ro khi vay tiền từ các công ty tài chính cho vay online

Với loại hình tín dụng đen đội lốt công ty tài chính thì những rủi ro là quá rõ ràng. Đầu tiên là việc không bao giờ người vay nhận được đúng số tiền mình cần mà sẽ bị trừ đi một phần, có khi lên đến 25% - 30% tổng số tiền vay, gọi là lãi thu trước. Tiếp đến là các khoản lãi ẩn, phí ấn khác nữa mà khi đặt vấn đề vay, người vay hoàn toàn không biết trước. Còn nếu trả góp trễ hạn, số tiền phạt sẽ không có quy tắc gì. Tổng cộng các khoản lãi phí của việc vay tín dụng đen có thể lên đến vài trăm, thậm chí là cả ngàn %/năm.

Người vay có thể dễ dàng tiếp cận các ứng dụng vay tiền online nhưng cần xem xét kỹ và lựa chọn đơn vị cho vay hợp pháp, uy tín để tránh rủi ro

Còn đối với các công ty tài chính hoạt động theo giấy phép P2P, vấn đề lãi phí không căng thẳng như tín dụng đen. Tuy nhiên, so với các ngân hàng, lãi suất vay từ các công ty P2P là cao hơn hẳn. Đầu tiên là mức lãi suất luôn tiệm cận mức 20%/năm, mức lãi suất trần được quy định trong Bộ Luật dân sự năm 2015. Nhưng đó chỉ là lãi suất, người vay có thể sẽ phải trả thêm nhiều khoản phí khác nhau nữa nên nếu quy đổi ra lãi suất phẳng thì sẽ rơi vào khoảng 35% - 45%/năm tuỳ từng đơn vị, từng điều kiện vay khác nhau. Lý do là bởi hiện nay, các công ty hoạt động theo giấy phép P2P đã ít nhiều có sự thay đổi trong mô hình hoạt động. Họ không đơn thuần là đơn vị kết nối giữa người cho vay và người đi vay nữa mà đang dần hoạt động như một tổ chức tín dụng thực thụ. Đó là họ sẽ trực tiếp đứng ra huy động vốn từ các nhà đầu tư và đứng ra cho những người có nhu cầu vay. Vào thời điểm cuối năm 2022, mức lãi suất huy động vốn mà các công ty này đang áp dụng với các nhà đầu tư là khoảng từ 18-20%/năm. Cách làm này của các công ty P2P cũng tương tự như chuỗi cầm đồ F88, là “đi vay để cho vay” nên chắc chắn lãi suất sẽ cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện vay tiền tại các công ty này có phần “thoáng” hơn các ngân hàng, do đó phần nào họ cũng đã đáp ứng được nhu cầu vay của những khách hàng dưới chuẩn ngân hàng.

Ngoài việc lãi suất cho vay cao hơn lãi suất ngân hàng thì việc vay tiền ở các công ty tài chính này cũng có đôi phần rủi ro chứ không được an toàn như khi vay tại các đơn vị có hệ thống phòng giao dịch cố định. Lý do là bởi trong phân khúc khách hàng dưới chuẩn, khi có thắc mắc, khiếu kiện thì khách hàng ưu tiên việc đến tận nơi để giải quyết chứ không quen với việc gửi email, phản hồi và giải quyết khiếu nại trên môi trường internet. Đó là lý do tại sao chuỗi cửa hàng F88 vẫn đang dẫn đầu phân khúc cho vay dưới chuẩn bởi chuỗi 820 phòng giao dịch của F88 đáp ứng được tâm lý “nắm thằng có tóc hơn nắm thằng trọc đầu”.

Theo doisongxahoi.com.vn

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top