Những hiểm hoạ khi vay tiền online

07/12/2023

Trước những lời dụ dỗ ngon ngọt như “vay tiền dễ dàng”, “không cần gặp mặt”, “lãi suất cực thấp”, “giải ngân tức thì”... nhiều người đã cho rằng vay tiền online là một giải pháp tài chính tốt, thậm chí là một chỗ dựa. Nhưng đằng sau những lời hoa mỹ đó lại là những cạm bẫy vô cùng tinh vi.

Bản chất của việc vay tiền online

Chỉ cần gõ chữ “vay tiền online” trên Google, hàng trăm nghìn kết quả tìm kiếm sẽ hiện ra, với rất nhiều những lời quảng cáo hoa mỹ, thậm chí là thân thiện. Trên Facebook, Zalo, Youtube cũng vậy, đâu đâu cũng có “người tốt” sẵn sàng cho vay một cách vô tư, dễ dãi. 

Theo nhiều chuyên gia, vay tiền online là một hình thức vay tín chấp, tức là dựa trên uy tín của khách hàng để duyệt vay. Các ngân hàng, công ty tài chính cũng cung cấp các gói vay tín chấp. Vay tín chấp không yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo để “đặt cọc”, thường là ô tô hoặc nhà đất, nên rất phù hợp với những người chưa “có của ăn của để”. Tuy nhiên, các giá trị khoản vay không lớn, tối đa cũng chỉ 50 triệu đồng nhưng lãi suất lại cao, trong khoảng 18% - 35%/năm, tuỳ gói vay. Ngoài ra, người vay phải đáp ứng thêm các yêu cầu khắt khe như chứng minh thu nhập ổn định và không có nợ xấu. Các ngân hàng và công ty tài chính không bao giờ duyệt vay online 100%. Khách hàng có thể đăng ký vay online, nộp hồ sơ online nhưng bắt buộc phải gặp mặt nhân viên  ngân hàng hay công ty tài chính trước khi giải ngân và thời gian phê duyệt khoản vay ít nhất là từ 2 đến 5 ngày làm việc.

Những lời quảng cáo đường mật trên hầu hết là đến từ các đơn vị, cá nhân cho vay bất hợp pháp và một khi đã vướng vào, mọi khách hàng đều sẽ có chung một kết quả là “tiền mất, tật mang”.

>> Xem thêm: vay tiền bằng đăng ký ô tô

Những ẩn hoạ từ vay tiền online

Đầu tiên, khi gọi điện hoặc điền mẫu thông tin cần vay trên website hay ứng dụng được quảng cáo, các đối tượng sẽ yêu cầu người vay nộp một số loại giấy tờ như bản sao căn cước công dân, sao kê ngân hàng, bản sao hợp đồng lao động… tương tự như các ngân hàng. Vài ngày sau, chúng sẽ gọi lại báo khoản vay không được phê duyệt và kết thúc giao dịch. Tuy nhiên, toàn bộ giấy tờ của khách hàng cung cấp đã được lập thành một hồ sơ vay hoàn chỉnh và khi khoản vay được phê duyệt, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khác. Quá thời hạn trả nợ, các ngân hàng, công ty tài chính tìm đến tận nơi thì khách hàng mới biết là đang gánh một khoản nợ mà mình chưa từng vay. Tuy nhiên, cách lừa đảo này ít khả năng thành công do hiện nay, các tổ chức tín dụng đã áp dụng chính sách duyệt vay nghiêm ngặt hơn, tra xét thông tin và đối chứng kỹ càng hơn.

Cách lừa đảo thứ hai thì thường xuất hiện ở khu vực nông thôn, áp dụng với những người ít am hiểu việc vay tiền hoặc người lớn tuổi và hầu hết là thông qua điện thoại. Đó là sau khi người vay nộp thông tin cá nhân, đối tượng sẽ yêu cầu phải chuyển trước một khoản tiền, gọi là phí tạm ứng thẩm định hồ sơ và hứa hẹn khi giải ngân sẽ hoàn trả số tiền trên. Số tiền này được thuyết trình rất “hợp lý” và thường tương đương 5% - 10% giá trị khoản hứa hẹn. Khi nhận tiền, chúng lập tức tắt máy, chặn cuộc gọi… nói chung là cắt toàn bộ liên lạc và người vay mất đi toàn bộ số tiền “cọc” đó.

Cuối cùng là tín dụng đen đúng nghĩa, tức là sau khi điền thông tin cần vay vào website hoặc  ứng dụng mà đối tượng quảng cáo, khách hàng sẽ được giải ngân lập tức. Nhưng thường thì chúng sẽ giải ngân ít hơn khoảng 15% - 20% giá trị khoản vay và gọi đó là phí duyệt vay. Loại phí này chỉ bị trừ khi khách hàng đã hoàn tất thủ tục vay chứ không được thông báo trước đó. Đến hạn thanh toán, khách hàng sẽ lại phải trả thêm nhiều loại phí “trên trời dưới đất” khác nữa và nếu trễ hạn, dù chỉ một ngày, lãi suất và phí phạt cứ thế thi nhau tăng phi mã. Kết quả, người vay phải chịu lãi suất cao gấp vài chục lần lãi suất được quảng cáo ban đầu. Nếu không trả, chúng lập tức khủng bố, uy hiếp không chỉ bản thân mà còn gia đình, bạn bè của người vay. Đây là hình thức tín dụng đen nguy hiểm nhất mà cả xã hội đang lên án và cơ quan công an cũng đang nỗ lực triệt phá.

>> Xem thêm: vay bằng đăng ký xe máy

Giải pháp khi không thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng

Nhu cầu vay tiền của người dân thì luôn cao nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện vay ngân hàng. Một số chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên, trong đó căn cơ nhất vẫn là chủ động tiết kiệm, quản lý chi tiêu hiệu quả và chỉ vay khi thực sự cần. Nếu bắt buộc phải vay mà không thể vay ngân hàng, công ty tài chính thì có thể chọn hình thức vay cầm cố tài sản, nôm na là cầm đồ, và chọn những đơn vị có uy tín, kiểu như chuỗi cầm đồ F88. Có thể, lãi suất vay cầm đồ không thấp hơn lãi suất vay tín chấp nhưng rõ ràng việc vay tiền ở các chuỗi cầm đồ có uy tín sẽ minh bạch, rõ ràng và có nguyên tắc hơn so với các hình thức vay online.

Theo suckhoedoanhnghiep.com

Xem thêm

Tìm phòng giao dịch gần nhất

Tỉnh/thành

Quận/huyện

cat-img
icon-action
zalomessenger
scroll-top